Ban đầu, khi bước vào chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện gặp phải nhiều khó khăn như hạ tầng sản xuất nông nghiệp xuống cấp, thiếu đồng bộ, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và chưa hiệu quả, dẫn đến cuộc sống của người dân địa phương gặp nhiều hạn chế. Tuy nhiên, Huyện Thanh Trì đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm huy động các nguồn lực, vận dụng linh hoạt, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia khác để tập trung nguồn vốn đầu tư các công trình xây dựng trọng điểm, hoàn thành các tiêu chí theo lộ trình, đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng nông thôn, mạng lưới giao thông, tạo động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, huyện Thanh Trì đã phát động phong trào thi đua "Chung sức xây dựng Nông thôn mới", cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh” cùng nhiều phong trào thi đua khác.
Diện mạo huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày càng khang trang, sạch đẹp
Trong giai đoạn 2021 đến 2025, huyện Thanh Trì thực hiện kép 2 nhiệm vụ chính trị quan trọng là: Đầu tư xây dựng huyện thành quận, xã thành phường; Xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu.
Với phong trào xã hội hóa và huy động sức dân vào cuộc chung tay xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân trên địa bàn huyện và phù hợp với từng xã cụ thể. Đến nay, huyện đã xây dựng được hơn 160 km đường giao thông nông thôn, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng so với dự toán ban đầu. Người dân đã tự nguyện đóng góp hơn 200.000 ngày công và hiến hơn 11.000 m2 đất.
Huyện Thanh Trì luôn ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung về giao thông và kinh tế, xã hội, đã bố trí trên 2.000 tỷ đồng thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông trên 2.300 tỷ đồng để thực hiện 102 dự án hạ tầng văn hóa, xã hội góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, phát triển dịch vụ, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Theo kết quả báo cáo của UBND huyện Thanh Trì, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 70 triệu đồng (tăng 8 triệu đồng so với năm 2020). Giá trị sản phẩm/ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 252 triệu đồng/ha, tăng 7 triệu đồng/ha so với năm 2020.
Tỷ lệ trường học đạt chuẩn Quốc gia tăng lên 87,6%, chất lượng giáo dục ngày càng phát triển; hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được nâng lên, 100% xã đạt tiêu chí chuẩn Quốc gia về y tế. Chất lượng môi trường sống, công tác vệ sinh môi trường được chú trọng, đã kè được 32 ao hồ trong khu dân cư kết hợp với đường hoa, cây xanh. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đô thị đạt 97%.
Huyện Thanh Trì còn là địa phương đầu tiên của TP. Hà Nội thành công trong việc thực hiện xã hội hóa đầu tư và xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại xã Vạn Phúc, với công suất 1.500 con lợn/ngày đêm. Điều này đã giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn và đồng thời thúc đẩy phát triển sản xuất chăn nuôi hiệu quả.
Thanh Trì đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao, vượt qua kế hoạch của huyện và đăng ký với Thành phố trước hạn 2 năm
Những thành công này đã tạo nền tảng vững chắc cho Huyện Thanh Trì tiếp tục phấn đấu trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao, với sự ủng hộ nhiệt tình từ cộng đồng dân cư địa phương. Đến thời điểm hiện tại, tất cả 15 xã (100%) của Thanh Trì đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao, vượt qua kế hoạch của huyện và đăng ký với Thành phố trước hạn 2 năm.
Nhờ sự góp sức của người dân và cộng đồng, toàn bộ các tuyến đường trục thôn và đường liên thôn tại đây đã được nâng cấp bê tông, nhựa; các điểm trường học, cơ quan hành chính trên đường liên xã đều được trang bị hệ thống biển báo, chiếu sáng, gờ giảm tốc theo quy định và được bảo trì hàng năm. Ngoài ra, các tuyến đường liên xã và thôn cũng được trồng cây xanh để tạo cảnh quan môi trường dễ chịu.
Với sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự đoàn kết của cộng đồng dân cư đã góp phần quan trọng vào thành công của xây dựng nông thôn mới, giúp cải thiện rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng người dân. Đến nay, Thanh Trì đã trở thành huyện tốp đầu của Thủ đô trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng để địa phương tiếp tục thực hiện xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, Nông thôn mới thông minh, nhằm mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.
= = = = =
TRANG THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI THÀNH PHỐ HÀ NỘI