Top 10 game có thưởng khi tải về - tải game đánh bài đổi thưởng 88

trongdong
text logo

QUAN ĐIỂM CỦA V.I.LÊNIN VỀ CHỦ NGHĨA TƯ BẢN NHÀ NƯỚC VÀ VẬN DỤNG Ở VIỆT NAM

Tác giả bài viết: Thượng tá, ThS Lê Đình Thụ - Trung tá, TS Lê Duy Dũng Khoa KTCT học Mác - Lênin, Học viện Chính trị, BQP

Thứ hai - 05/08/2024 06:43
Chủ nghĩa tư bản nhà nước là một bộ phận quan trọng trong chính sách kinh tế mới (NEP) của V.I.Lênin đề ra và trực tiếp chỉ đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga Xô viết đầu những năm 20 thế kỷ XX. Những năm qua ở nước ta, dưới ánh sáng của công cuộc Đổi mới do Đảng khởi sướng đã và đang được vận dụng sáng tạo chủ nghĩa tư bản nhà nước vào thực tiễn.
I. MỞ ĐẦU

Một trong những di sản lý luận của V.I.Lênin đó là lý luận chủ nghĩa tư bản nhà nước và nó có ý nghĩa quan trọng để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn ở nước ta, những biểu hiện của chủ nghĩa tư bản nhà nước theo quan điểm của V.I.Lênin là tất yếu khách quan. Vấn đề là cần nhận thức rõ bản chất, hình thức của nó và đề xuất hệ thống giải pháp sử dụng hiệu quả các hình thức chủ nghĩa tư bản nhà nước để nhanh chóng xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội.

II. NỘI DUNG

2.1. Chủ nghĩa tư bản nhà nước theo quan điểm của V.I.Lênin

Theo nghĩa rộng, chủ nghĩa tư bản nhà nước như là một hệ thống các chính sách, công cụ, biện pháp nhằm điều tiết mọi hoạt động của các xí nghiệp tư bản còn tồn tại trong thời kỳ quá độ, nhằm hướng tới mục đích vừa sử dụng vừa cải tạo bằng phương pháp hoà bình đối với các thành phần kinh tế chủ nghĩa tư bản và sản xuất nhỏ. Chủ nghĩa tư bản nhà nước theo nghĩa hẹp có thể coi như một thành phần kinh tế, có hình thức rõ rệt và tồn tại như một thực thể của nền kinh tế, bao gồm tất cả những tổ chức kinh tế hình thành trên cơ sở hợp tác liên doanh cùng đầu tư của tư bản trong nước hoặc ngoài nước với cơ sở kinh tế quốc doanh hoặc với nhà nước. V.I.Lênin cho rằng: “Muốn không thay đổi bản chất của mình, Nhà nước vô sản chỉ có thể thừa nhận cho thương nghiệp tự do và cho chủ nghĩa tư bản được phát triển trong một chừng mực nhất định nào đó và chỉ với điều kiện là thương nghiệp tư nhân và tư bản tư nhân phải phục tùng sự điều tiết của Nhà nước (giám sát, kiểm tra, quy định các hình thức, trật tự...)”[1] .

Theo V.I.Lênin, chủ nghĩa tư bản nhà nước có vai trò quan trọng góp phần vào việc giải phóng sức sản xuất, khai thác có hiệu quả nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển lực lượng sản xuất “chủ nghĩa tư bản là không tránh khỏi, nó là sản vật tự nhiên của nền sản xuất và trao đổi; bởi vậy chúng ta phải lợi dụng chủ nghĩa tư bản (nhất là hướng vào con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước) làm mắt xích trung gian giữa tiểu sản xuất và chủ nghĩa xã hội, làm phương tiện, con đường, phương pháp, phương thức để tăng lực lượng sản xuất lên”[2].

Không những thế, chủ nghĩa tư bản nhà nước cung cấp công nghệ mới, hiện đại “cao hơn rất nhiều so với nền kinh tế hiện nay của nước ta”[3], tự nó đã là trường học về công tác tổ chức, quản lý nền kinh tế theo lối đại công nghiệp và đó cũng là cơ sở tạo ra những yếu tố vật chất chiến thắng sự hỗn độn vô tổ chức, kém hiệu quả của nền tiểu sản xuất,“Chủ nghĩa tư bản nhà nước vẫn là một bước tiến lớn… vì việc chiến thắng được tình hình hỗn độn, tình trạng suy sụp về kinh tế và hiện tượng lỏng lẻo là cái quan trọng hơn hết, vì việc để tình trạng vô chính phủ của những kẻ tiểu tư hữu tiếp tục tồn tại là một nguy cơ lớn nhất, đáng sợ nhất”[4].

Hơn thế nữa, chủ nghĩa tư bản nhà nước là cơ sở của hệ thống kiểm kê, kiểm soát toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Mặt khác, chủ nghĩa tư bản nhà nước còn có vai trò quan trọng trong việc thiết lập quan hệ kinh tế chặt chẽ với các nước tư bản tiên tiến, nhờ đó tạo ra môi trường hòa bình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Một số hình thức của chủ nghĩa tư bản nhà nước theo V.I.Lênin đề xuất và áp dụng thực hiện trên thực tiễn, bao gồm các hình thức: tô nhượng, hợp tác xã của những người sản xuất hàng hóa nhỏ; cho nhà tư bản thuê; đại lý; công ty hợp doanh.
Hình thức tô nhượng là hình thức trong đó “Chính quyền Xô Viết ký hợp đồng với nhà tư bản”[5], “Đó là sự liên minh với chủ nghĩa tư bản các nước tiên tiến”[6] nhằm tạo công ăn việc làm, cải thiện nhanh chóng đời sống của người lao động; chống lại sự phát triển tự phát tư hữu đang liên minh với chủ nghĩa tư bản tư nhân; du nhập được sản xuất lớn hiện đại, tạo ra việc làm và tăng sản phẩm xã hội, xây dựng những xí nghiệp kiểu mẫu cho chủ nghĩa xã hội ngang với chủ nghĩa tư bản hiện đại, thông qua đó quan hệ sản xuất tiên tiến được xác lập.

Đó là hình thức hợp tác xã của những người sản xuất hàng hóa nhỏ, đây là hình thức liên minh giữa nhà nước vô sản với hàng triệu người sản xuất nhỏ, con đường duy nhất đúng người sản xuất nhỏ được định hướng theo định hướng xã hội chủ nghĩa. V.I.Lênin loại hình hợp tác xã của những người tư hữu nhỏ “tạo điều kiện thuận lợi cho sự kiểm kê, kiểm soát, theo dõi những quan hệ đã ghi trong hợp đồng” và “nếu xét về mặt hình thức thương nghiệp thì hợp tác xã có lợi ích hơn thương nghiệp tư nhân chẳng những vì lý do kể trên, mà còn vì nó tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên hợp và tổ chức hàng triệu người, sau đó toàn thể dân chúng, và tình trạng ấy lại là một điều lợi rất lớn cho bước quá độ tương lai từ chủ nghĩa tư bản Nhà nước lên chủ nghĩa xã hội”[7].

Hình thức đại lý là hình thức mà “Nhà nước lôi cuốn nhà tư bản, với tư cách một nhà buôn, trả cho họ một số tiền hoa hồng để họ bán sản phẩm của Nhà nước và mua sản phẩm của người sản xuất hàng hóa nhỏ”[8]. Ngoài ra, còn có hình thức khác như cho nhà tư bản thuê một xí nghiệp, hoặc vùng mỏ, khu rừng, khu đất, thông qua một hợp đồng giữa nhà nước với nhà tư bản, một kiểu “tô nhượng nội địa” tạo điều kiện mới cho nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh. Nhà tư bản thuê tài sản nộp tô cho nhà nước bằng tiền hoặc hiện vật (có thể 30% số than khai thác được). Hình thức công ty hợp doanh, trong đó “vừa có các nhà tư bản tư nhân Nga và tư bản nước ngoài, vừa có những người cộng sản cùng tham gia”[9].

2.2. Kết quả vận dụng quan điểm V.I. Lênin về chủ nghĩa tư bản nhà nước ở nước ta

Trước tiên, khẳng định sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước là tất yếu khách quan bởi vì thực tiễn nền kinh tế của nước ta hiện nay có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, mỗi thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân có vai trò, tác dụng quan trọng đối với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Chính lẽ đó, cần phải định hướng cho kinh tế tư nhân đi vào con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước. Mặt khác, chúng ta cần phải thông qua chủ nghĩa tư bản nhà nước để khơi thông các nguồn lực trương nước cũng như ngoài nước xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, tận dung thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư để “đi tắt, đón đầu” bắt kịp trình độ khoa học, kỹ thuật của thế giới. Đồng thời, chuẩn vị cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội.

Các hình thức vận dụng quan điểm về chủ nghĩa tư bản nhà nước của V.I. Lênin ở nước ta đó là vận dụng quan điểm của V.I. Lênin về kiểm kê, kiểm soát của nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; đó là thực hiện chế độ tô nhượng để nâng cao nhiệu quả đầu tư nước ngoài; vận dụng hình thức hợp tác xã tư bản vào phát triển kinh tế hợp tác; hình thức công ty hợp doanh để đẩy mạnh hợp tác công tư; sử dụng hình thức cho nhà tư bản thuê để nâng cao hiệu quả đầu tư trong nước.

Để vận dụng quan điểm của V.I. Lênin về chủ nghia tư bản nhà nước, Đảng ta đã chỉ rõ: “Kinh tế tư bản nhà nước bao gồm các hình thức hợp tác liên doanh giữa kinh tế nhà nước với tư bản tư nhân trong nước và hợp tác liên doanh giữa kinh tế nhà nước với tư bản tư bản nước ngoài”[10]. Tiếp đó, Đại hội IX và X của Đảng tiếp tục khẳng định: “Trên cơ sở ba chế độ sở hữu (toàn dân, tập thể, tư nhân), hình thành nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế... Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh”[11]. Từ Đại hội Đảng lần thứ XI trong văn kiện Đảng không đề cập đến thành phần kinh tế tư bản nhà nước, nhưng thực tế hiện nay, có thể thấy Đảng ta luôn nhận thức rõ và quản lý chặt chẽ, phù hợp, phát triển những quan hệ kinh tế kiểu chủ nghĩa tư bản nhà nước thời V.I.Lênin hiện diện ở trong tất cả các thành phần kinh tế ở Việt Nam với nhiều hình thức của chủ nghĩa tư bản nhà nước như liên doanh, liên kết giữa nhà nước với các chủ sở hữu tư nhân trong nước hoặc với các chủ sở hữu ở các nước tư bản chủ nghĩa; sử dụng các hình thức công ty cổ phần, đặc khu kinh tế, khu công nghiệp chế biến xuất khẩu (khu chế xuất); cho tư bản trong và ngoài nước, cho nông dân thuê các cơ sở sản xuất kinh doanh và các tư liệu sản xuất thuộc sở hữu toàn dân; các tổ chức hợp tác liên doanh với tính cách là các hình thức kinh tế tư bản nhà nước. Ngoài những hình thức cụ thể nêu trên, Nhà nước ta luôn quản lý, điều tiết hay lãnh đạo, kiểm kê, kiểm soát với toàn bộ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổng kết hơn 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” nhấn mạnh: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội”[12]. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm tiếp tục đẩy mạnh, thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài, thể hiện trong việc ban hành và thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017; Luật Đầu tư năm 2020; Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg ngày 06/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ban đầu tập trung phần lớn vào xây dựng khách sạn, căn hộ, văn phòng cho thuê, những năm gần đây, đầu tư đã có sự đầu tư mạnh mẽ vào khu vực sản xuất vật chất chiếm 76,5% dự án và 53,5% trong tổng số 23,18 tỷ USD (năm 2023). Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 258,8 tỷ USD chiếm 73,1% kim ngạch xuất khầu[13]. Tính đến nay, Việt Nam có 38.084 dự án với tổng vốn đăng ký 453,26 tỷ USD; vốn thực hiện lũy kế ước đạt gần 287,1 tỷ USD, bằng 63,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Nước ta đã bước đầu đón dòng vốn đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ cao như: Intel, Samsung.

Đối với kinh tế kinh tế hợp tác luôn được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002, của Hội nghị Trung ương 5 khóa IX, “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” và thực hiện Kết luận số 70-KL/TW, ngày 9-3-2020, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, định hướng kinh tế tập thể, hợp tác xã trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cả nước thành lập mới 10.749 hợp tác xã, bình quân 2.150 hợp tác xã/năm (tăng 2,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015), trong đó, lĩnh vực nông nghiệp là 7.632 hợp tác xã, chiếm tỷ lệ 71%; phi nông nghiệp là 3.117 hợp tác xã, chiếm tỷ lệ 29%; thành lập mới 81 liên hiệp hợp tác xã; 15.849 tổ hợp tác, trong đó có 9.984 tổ hợp tác nông nghiệp, 5.865 tổ hợp tác phi nông nghiệp. Cuối năm 2023, cả nước có 26.040 hợp tác xã (tăng 5.625 hợp tác xã so với năm 2015, tăng bình quân 3,6%/năm), phân theo các lĩnh vực hoạt động gồm: 16.953 hợp tác xã nông nghiệp, 1.188 quỹ tín dụng nhân dân, 2.079 hợp tác xã thương mại và dịch vụ, 1.496 hợp tác xã vận tải, 2.474 hợp tác xã công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, 1.026 hợp tác xã xây dựng, 521 hợp tác xã môi trường, 303 hợp tác xã khác...[14].

Về hợp tác công tư, Nhà nước ban hành Luật Đầu tư số 64/2020/QH14 ngày 18 tháng 6 năm 2020, theo đó phương thức đối tác công tư được quy định “Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là phương thức đầu tư thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP”. Có nhiều hình thức hợp tác PPP như Hợp đồng BOT, BT. Mô hình hợp tác công tư được coi là một trong những công cụ hữu hiệu, trước hết là đầu tư hạ tầng để nhà nước có được cơ sở hạ tầng cần thiết phục vụ lợi ích công và phát triển kinh tế - xã hội. Không chỉ là hình thức hợp tác giúp tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao, sử dụng được kỹ năng, công nghệ hiện đại và tính hiệu quả trong quản lý của khu vực tư nhân. Kết quả hợp tác công tư hiệu quả góp phần quan trọng đem lại cho kinh tế tư nhân có bước phát triển mạnh mẽ. Tính trung bình trong giai đoạn 2010 - 2021, bình quân mỗi năm có trên 100 nghìn doanh nghiệp được thành lập. Đặc biệt, giai đoạn 2018 - 2022, mỗi năm có hơn 130 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới. Tương ứng với đó, số vốn đăng ký hằng năm đạt trên 500 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2018 - 2022, mỗi năm số vốn đăng ký mới đạt trên 150 nghìn tỷ đồng. Đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã hình thành và phát triển một số doanh nghiệp khu vực tư nhân có quy mô lớn, đang từng bước kinh doanh đa ngành và trở thành những doanh nghiệp lớn, quan trọng trong nền kinh tế. Kinh tế tư nhân từng bước tham gia liên kết, mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu thông qua liên kết dọc với khu vực FDI. Đến năm 2023, kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng rất lớn trong sản xuất một số sản phẩm: chiếm 91,27% sản lượng muối biển; 88,45% sản lượng đường kính; 48,69% phân NPK; 44,64% xi-măng; 39,21% sắt, thép dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác; 49,91% thép cán hình[15].

Bên cạnh thành tựu như trên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong vận dụng các hình thức kinh tế tư bản nhà nước như vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ, kịp thời trong đó, Luật riêng về hợp tác công tư chưa có mà tất cả các hoạt động hợp tác công tư vẫn chỉ được điều chỉnh bằng các Nghị định, làm cho phương thức đầu tư này chưa phát huy được hiệu quả thu hút dòng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân để phát triển cơ sở hạ tầng, trong khi nguồn ngân sách Nhà nước còn có hạn.

Năng lực quản lý kinh tế của bộ máy nhà nước còn có những hạn chế, nhất là quản lý kinh tế khu vực đầu tư nước ngoài chưa chặt chẽ, hiệu quả, thể hiện mặc dù được đánh giá sử dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại hơn nhưng không quá vượt trội so với doanh nghiệp trong nước; chủ yếu ở mức độ hiện đại trung bình, hoặc trung bình tiên tiến của khu vực; việc cập nhật công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển còn hạn chế; mục tiêu về chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi; sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.

2.3. Một số giải pháp vận dụng quan điểm của V.I.Lênin về chủ nghĩa tư bản nhà nước trong thời gian tới

Để tiếp tục nhận thức đúng đắn và vận dụng sáng tạo quan điểm của V.I.Lênin về chủ nghĩa tư bản nhà nước trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thời gian tới chúng ta cần phải:

Một là, kết hợp chặt chẽ giữa kiên định và sáng tạo trong vận dụng quan điểm của V.I.Lênin về chủ nghĩa tư bản nhà nước, đảm bảo toàn diện song phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, giữ vững tính định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời gắn với mục tiêu, lộ trình xây dựng quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp, phải có lộ trình, bước đi phù hợp.

Hai là, không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị về vận dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp cho sự phát triển chủ nghĩa tư bản Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ba là, tăng cường sức mạnh kinh tế của Nhà nước để phát triển và sử dụng có hiệu quả chủ nghĩa tư bản nhà nước, phát triển đa dạng các hình thức của chủ nghĩa tư bản nhà nước phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước. Để đáp ứng được nhiệm vụ kinh tế lớn lao đó thì điều tiên quyết là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong quá trình vận dụng chủ nghĩa nghĩa tư bản nhà nước vào phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đây là vấn đề quyết định phát triển kinh tế tư bản nhà nước đúng hướng, quản lý nhà nước không chỉ là vấn đề hoạt động thực tiễn, mà còn là quá trình học tập, điều chỉnh, sửa sai như đã diễn ra trong thời gian qua. Quản lý nhà nước quyết định hiệu quả các nguồn vốn đầu tư và quyết định sự định hướng cho kinh tế tư bản nhà nước.

Bốn là, phát huy tiềm năng của tư bản tư nhân cùng với việc tích cực tìm kiếm, lựa chọn đối tác và nguồn vốn, công nghệ mới bên ngoài, áp dụng phù hợp các hình thức chủ nghĩa tư bản nhà nước.

III. KẾT LUẬN

Quan điểm vĩ đại của V.I.Lênin về chủ nghĩa tư vản nhà nước đã để lại giá trị to lớn đối với đất nước ta trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội nhằm giải quyết mâu thuẩn giữa mục tiêu xã hội chủ nghĩa với cơ sở vật chất và kỹ thuật của nước ta còn ở mức trung bình của thế giới. Chính vì vậy, quan điểm của V.I.Lênin về chủ nghĩa tư bản nhà nước là một bộ phận hợp thành cơ sở lý luận thúc đẩy công cuộc Đổi mới đi đến thành công.

Với những giải pháp trên đây, chúng ta hội nhập nhanh vào nền kinh tế thế giới, khắc phụ nguy cơ tụt hậu về kinh tế, giữ vững độc lập chủ quyền và định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Nguyễn Thị Ngọc Dung (2007), “Những luận điểm chủ yếu của V.I.Lênin về chủ nghĩa tư bản nhà nước”, Nxb CTQG, Hà Nội.
  2. Lê Xuân Đình (2010), “Phát triển chủ nghĩa tư bản nhà nước - một tư tưởng bất hủ của V.I.Lênin”, Hội thảo quốc gia “Di sản V.I.Lênin trong thế giới ngày nay và sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam”, ngày 16/4/2010.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, Hà Nội.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội.
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội.
  6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Hà Nội.
  7. Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III (2009), Hội thảo “Lý luận về chủ nghĩa tư bản Nhà nước của VI. Lênin và sự vận dụng ở Việt Nam”, Hà Nội.
  8. VI.Lênin (1978), Toàn tập, tập 44, Nxb Tiến bộ, Matxcơva.
  9. VI. Lênin (1978), Toàn tập, tập 46, Nxb Tiến bộ, Matxcơva.
  10. Hồ Chí Minh (1978), Toàn tập, Tập 7, Nxb Sự thật, Hà Nội.
  11. Nguyễn Công Sơn (2020), “Sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước - mẫu mực về sự sáng tạo trong thực tiễn hoạt động cách mạng của Lênin”, Tạp chí Học viện Lục quân, Lâm Đồng
  12. Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQG - ST, Hà Nội.
  13. Tổng cục Thống kê (2024), Niên giám thống kê năm 2023, Nxb Tổng cục Thống kê, Hà Nội.
  14. //www.tapchicongsan.org.vn
 
[1] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 44, Nxb Tiến Bộ, Matxcơva, 1978, tr.418.
[2] V.I. Lênin toàn tập, tập 43, Nxb Tiến Bộ, Matxcơva, 1978, tr.276.
[3] V.I. Lênin toàn tập, tập 43, Nxb Tiến Bộ, Matxcơva, 1978, tr.252.
[4] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 44, Nxb Tiến Bộ, Matxcơva, 1978, tr.366-367.
[5] V.I.Lênin (1978), Toàn tập, tập 43, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, tr.189.
[6] V.I.Lênin (1978), Toàn tập, tập 43, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, tr.99.
[7] V.I.Lênin (1978), Toàn tập, tập 43, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, tr.272.
[8] V.I.Lênin (1978), Toàn tập, tập 43, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, tr.274.
[9] V.I.Lênin (1978), Toàn tập, tập 43, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, tr.97.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.95.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.83.
[12] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, tr.26.
[13] Tổng cục Thống kê (gsc.gov.vn)
[14] //www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/825785/phat-trien-kinh-te-tap-the-va-hop-tac-xa--con-duong-cua-the-gioi-va-nhu-cau-tat-yeu-voi-viet-nam.aspx
[15] Tổng cục Thống kê (2024), Niên giám thống kê năm 2023, Nxb Tổng cục Thống kê, Hà Nội, tr. 258, 263.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây