Hành Thiện có 2 lễ hội: Lễ hội mùa xuân và Lễ hội chùa Keo. Tuy nhiên lễ hội chùa Keo là quan trọng nhất. Người Hành Thiện dù là ai, đi đâu làm gì, thì không ai không nhớ về lễ hội chùa Keo (chính hội tổ chức ngày 13, 14, 15 tháng 9 âm lịch), như trong câu nói lưu truyền nhiều thế hệ “Dù ai ngang dọc Tây Đông/Ngày rằm tháng Chín hội Ông nhớ về/ Dù ai bận rộn trăm nghề/ Ngày rằm tháng Chín nhớ về hội Ông”. Khác với lễ hội mùa xuân, cầu mưa thuận, gió hòa, ấm no, hạnh phúc, lễ hội chùa Keo gắn với tín ngưỡng thờ Thiền sư Không Lộ. Tương truyền tháng 9 là tháng sinh của thiền sư, dân làng tổ chức hàng loạt các nghi thức lễ hội đặc sắc như trình Phật, Thánh, phụng nghinh, phục miều, dựng phan, Thánh đản và khoa giáo rối, lễ tạ… Bên cạnh các nghi lễ mang mầu sắc tín ngưỡng thì còn có các trò chơi, diễn xướng dân gian: bơi trải, cò cốc, rước đèn kéo quân, cờ tướng, leo cầu ngô bắt vịt, múa sư tử…
Quang cảnh và một số nghi thức trong lễ hội (ảnh sưu tầm)
Ấn tượng nhất, có lẽ đua là thuyền trải (hay còn gọi là bơi trải) - nét văn hóa, lễ hội đặc sắc của nền văn minh lúa nước. Đây là cuộc thi được tổ chức giữa 15 xóm trong làng. Mỗi xóm chọn 10 thanh niên khỏe mạnh tham gia thi và phải luyện tập trước lễ hội nhiều tháng. Các đội có sự phân công nhiệm vụ chi tiết, cụ thể, kỹ, chiến thuật cho từng thành viên dưới sự chỉ huy của một người. Khác với nhiều nơi, các thành viên không ngồi chèo mà 10 người đều đứng để chèo. Điều này đòi hỏi kỹ thuật khó hơn, tính đồng đội cao hơn và đặc biệt là phải có sự phân phối sức hợp lý của các thành viên trong đội. Tất cả các xóm đều dành những sự hỗ trợ tốt nhất, cả vật chất và tinh thần cho đội của mình trước và trong cuộc thi.
Một số hình ảnh bơi trải
Luật chơi quy định các thuyền bắt đầu xuất phát từ nhánh sông nhỏ trong làng, sát với chùa Keo, chèo khoảng 5-6km, ra đến sông Ninh Cơ nhánh của sông Hồng, bơi khoảng 3-5 vòng sông. Sau đó các đội quay về bắt Têu trong nhánh sông con, nếu đội nào về đầu thì sẽ dành giải nhất. Đội giành chiến thắng sẽ về làm lễ báo công tại chùa và là niềm tự hào lớn lao của cả xóm, được người dân nhắc đến quanh năm.
Cứ đến ngày lễ hội, hình ảnh các chàng trai khỏe mạnh, già có, trẻ có, đầu chít khăn, đóng khố, mặc áo nẹp ngắn theo dấu hiệu riêng của từng xóm, gồng mình chèo những chiếc thuyền dài theo ra sông lớn, giữa tiếng trống dồn dập, tiếng reo hò cổ vũ của dân làng và du khách không chỉ là những thử thách không nhỏ với ý chí, con người Hành Thiện mà còn mang những ý nghĩa to lớn về một khế ước tinh thần luôn được xác lập - khế ước bảo tồn, lưu truyền văn hóa Hành Thiện đến thế hệ mai sau.
Thiếu nhi tham gia lễ hội ( ảnh sưu tầm)
Hành Thiện trên cao nhìn xuống (ảnh sưu tầm)
Trung tâm Nghiên cứu và Thực nghiệm Nghệ thuật ERCA phối hợp tổ chức in rập thác bản bia đá chùa Keo
Góc triển lãm 200 năm Hành Thiện
Đặc biệt nhất, trong lễ hội chùa Keo Hành Thiện 2023, đó là dấu mốc kỷ niệm 200 năm làng được vua Minh Mạng đổi tên từ Hành Cung thành Hành Thiện, với ý nghĩa về những điều thiện lành. Một số chuyên gia trẻ quê Hành Thiện đã phối hợp với nhiều đơn vị chuyên môn, đồng nghiệp, tổ chức một triển lãm rất thú vị với cái tên “Hành Thiện - 200 năm danh xưng” ngay tại khuôn viên chùa. Bà con và du khách thăm quan đã rất ấn tượng với hệ thống tranh ảnh, bản đồ thác bản in rập, tranh kí hoạ, thư pháp… được trưng bày. Các hiện vật cũ bị hư hỏng, vốn chỉ nằm trong góc kho, cũng được lựa chọn, sắp đặt, góp mặt vào triển lãm để cùng kể một câu chuyện về lịch sử - văn hoá. Các bạn trẻ cũng triển khai kế hoạch Số hoá di sản làng Hành Thiện, để xây dựng hệ thống dữ liệu, hình thành một thư viện - bảo tàng số về di sản văn hoá của làng. Hành Thiện đang đổi mới và hội nhập, nhưng giá trị học vấn và văn hoá truyền thống chưa bao giờ mai một đi. Không chỉ lưu giữ, bảo tồn mà hiện đại hoá các giá trị làng Hành Thiện đang là trách nhiệm và sứ mệnh cao cả của các thế hệ tri thức trẻ Hành Thiện, để xứng đáng với tiền nhân.