Toàn cảnh buổi Tọa đàm chuyên gia
Với mục tiêu tạo diễn đàn để các nhà nghiên cứu và chuyên gia trong lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học tự nhiên cùng trao đổi, thảo luận về các hướng nghiên cứu liên quan đến vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước hiện nay, Tọa đàm đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ của nhiều nhà khoa học thuộc các đơn vị nghiên cứu công lập và ngoài công lập:
Về phía Chương trình KHCN KC.14/21-30 có sự tham dự của GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh và TSKH. Bạch Quốc Khang, cố vấn Chương trình KHCN KC.14/21-30; PGS.TS. Lê Xuân Quang, Phó viện trưởng Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường; đồng chí Vũ Thị Thúy, thư ký Chương trình KHCN KC.14/21-30.
Về phía Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển có GS.TS. Đặng Cảnh Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Viện trưởng; PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Phó Viện trưởng thường trực; PGS.TS. Phạm Duy Đức, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện; PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện.
Đại diện Viện Nghiên cứu Thanh niên, có TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Thư ký Hội đồng Khoa học Trung ương đoàn, Phó viện trưởng; TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Trưởng phòng Nghiên cứu Chính sách Phát triển Thanh niên; TS. Phan Thanh Nguyệt, Trưởng phòng Nghiên cứu Tổ chức Đoàn và Phong trào Thanh thiếu Nhi; TS. Bùi Phương Thanh, Phó trưởng phòng Quản lý Khoa học Hành chính.
TS Bùi Phương Thanh giới thiệu đại biểu và thông qua chương trình Tọa đàm
Cùng với đó Tọa đàm còn có sự tham dự của các nhà khoa học thuộc phòng Môi trường, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh;…
Phát biểu tại Tọa đàm, GS.TS Nguyễn Văn Tỉnh, Chủ nhiệm Chương trình KHCN KC.14/21-30 nhấn mạnh, nước đã trở thành tâm điểm tại nhiều diễn đàn quốc tế. Từ hội nghị đầu tiên năm 1977 của Liên Hợp Quốc về Nước tại Argentina, đến Hội nghị về Nước và Môi trường tại Dublin (1/1992) và các Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững đã dần xác lập vị trí ưu tiên hàng đầu của nước trong phát triển bền vững. Qua nhiều lần thảo luận, đến năm 2013, Nhóm công tác về an ninh nguồn nước (ANNN) của Liên Hợp Quốc (UN-Water) đã xác định “ANNN là khả năng tiếp cận nguồn nước của một cộng đồng dân cư với số lượng nước đầy đủ và chất lượng ở mức chấp nhận được nhằm duy trì sinh kế, sức khỏe, và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phòng chống ô nhiễm nguồn nước, thiên tai liên quan đến nước và bảo tồn hệ sinh thái trong một môi trường hòa bình và ổn định chính trị”. Kể từ năm 2015, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khẳng định trong chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 coi ANNN như là một phần của các Mục tiêu Phát triển Bền vững thiên niên kỷ.
GS.TS Nguyễn Văn Tỉnh giới thiệu về chương trình KHCN KC.14/21-30
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia là có nguồn nước dồi dào. Song, chúng ta cũng đang phải đối mặt với không ít những thách thức để đảm bảo an ninh nguồn nước như: (1) Nguồn nước hữu hạn, phân bổ không đồng đều theo không gian và thời gian; (2) 62% nguồn nước mặt sản sinh bên ngoài lãnh thổ nằm ngoài khả năng quản lý của Việt Nam; (3) Chịu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai do nước gây ra: Hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng bất thường, cực đoan; (4) Quản lý, sử dụng nước chưa hiệu quả và (5) Những tác động xấu từ hoạt động phát triển kinh tế xã hội đối với nguồn nước.
Trước thực tế đó, kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 23/06/2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành thủy lợi, đồng thời là căn cứ để triển khai nhiều chương trình, kế hoạch thiết thực. Trong đó có Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 "Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước", mã số KC.14/21-30 được ban hành theo Quyết định số 2846/QĐ-BKHCN ngày 01/12/2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Trong khuôn khổ Tọa đàm, các nhà khoa học đã tập trung phân tích và gợi mở một số vấn đề nghiên cứu liên quan đến nội dung 01 của Chương trình về “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; quản lý rủi ro, quản trị an ninh nguồn nước trong xu thế thay đổi và phát triển đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước”.
Trong đó, nhiều quan điểm, ý kiến của các nhà khoa học đã nhận được sự đồng thuận cao tại Tọa đàm như: Cần có tiếp cận liên ngành giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội trong việc triển khai nghiên cứu lý luận và thực tiễn về đảm bảo an ninh nguồn nước. Cụ thể, các nghiên cứu về đảm bảo an ninh nguồn nước phải gắn với yếu tố truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam; tập trung tìm hiểu và kế thừa những tri thức giá trị của ông cha ta trong việc tìm kiếm, sử dụng, bảo vệ và quản lý nguồn nước. Có kế hoạch khôi phục các dòng sông cổ và đề xuất công nhận hệ thống đê điều như một di sản văn hóa.
Đồng thời, gắn việc nghiên cứu xây dựng các công trình thủy lợi, nông nghiệp với sự phát triển của các khía cạnh an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… đặc biệt là thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa, khai thác tính “thiêng” của nước,… tạo sinh kế bền vững cho người dân bản địa của từng vùng miền.
Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, cần kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại từ bài học kinh nghiệm truyền thống của ông cha ta và bài học kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong đời sống hiện đại ngày nay. Có biện pháp nâng cao nhận thức, ý thức và huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, đặc biệt là thanh niên, tạo sự đoàn kết trong xã hội đối với các hoạt động thực hiện mục tiêu đảm bảo an ninh nước tại Việt Nam.
GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh phát biểu kết luận nói chuyện
Kết luận tại Tọa đàm chuyên gia, GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh, cố vấn Chương trình KHCN KC.14/21-30 bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc trước sự nhiệt tình, tâm huyết, chia sẻ ý kiến của các nhà khoa học. Đồng thời, Giáo sư khẳng định, những vấn đề được nêu tại Tọa đàm là nội dung gợi mở vô cùng quan trọng, cần được xây dựng thành các đề xuất nghiên cứu cụ thể, thể hiện những lát cắt đa chiều, có tính ứng dụng cao, góp phần tạo nên sự thành công của Chương trình KHCN KC.14/21-30./.
Một số hình ảnh đại biểu chia sẻ ý kiến