Phật giáo du nhập vào đồng bằng Bắc bộ từ rất sớm, khoảng những năm đầu công nguyên và những giai đoạn sau đó thông qua đường biển (từ Ấn Độ) và đường bộ (từ Trung Quốc) hình thành nhiều hệ phái khác nhau và những trung tâm Phật giáo lớn, nổi tiếng như ở kinh thành Thăng Long hay ở Luy Lâu ở Bắc Ninh. Hòa nhập cùng sinh hoạt của cư dân lúa nước với nền văn hóa bản địa Việt Nam đặc sắc, Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc, phát triển cực thịnh thời Đinh, Lê, Lý, Trần. Không chỉ một số thời kỳ, triều đình coi trọng Phật giáo như quốc giáo, các thiền sư như biểu tượng tầng lớp tinh hoa, trí tuệ Việt mà bên cạnh đó tư tưởng Phật giáo còn trực tiếp có những ảnh hưởng quản trọng tới quản lý đất nước, phát triển văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng cũng như ăn sâu, bén rễ trong nếp sống, sinh hoạt, phong tục tập quán cộng đồng.
Chùa Keo Hành Thiện (ảnh Trang tin làng Hành Thiện)
Chùa Keo làng Hành Thiện - Nam Định (chùa Keo Hạ) và chùa Keo làng Dũng Nghĩa - Thái Bình (chùa Keo Thượng) tương truyền có cùng nguồn gốc do thiền sư Không Lộ xây dựng tại hương Giao Thủy năm 1061 (hoặc 1063) thời kỳ cực thịnh của Phật giáo. Có nhiều tài liệu ghi chép khác nhau về thiền sư Không Lộ, một số tài liệu cho rằng thiền sư Dương Không Lộ là người làng. Một số tài liệu khác lại cho rằng pháp danh Dương Không Lộ của Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không. Cũng có tài liệu cho rằng Không Lộ là tên một ngôi chùa cố mà thiền sư Minh Không mượn làm pháp danh.
Truyền thuyết kể rằng thiền sư vốn xuất thân từ nghề đánh cá, năm 29 tuổi ông ngộ đạo, bỏ nghề, xuất gia, sau đắc đạo trở thành tổ thứ 10 của thiền phái Vô Ngôn Thông. Cuối đời thiền sư lại học thiền phái Thảo đường và trở thành tổ thứ 3 của thiền phái Thảo đường. Thiền sư Không lộ là người trực tiếp xây dựng chùa Keo (tên ban đầu là Nghiêm Quang Tự, sau đổi Thần Quang tự) và trụ trì tại đây một số năm. Năm Giáp Tuất (1094), sau khi thiền sư Không Lộ viên tịch, đã được dân làng thờ tại chùa.
Mái Chùa cổ kính (ảnh Trang tin làng Hành Thiện)
Theo một số ghi chép lịch sử về chùa Keo, năm 1611, sông Hồng nước to, ngập lụt, sạt lở đất lớn, chùa cũ bị phá hủy, một bộ phận dân làng dời xuống phía Nam và xây dựng chùa Keo mới, còn gọi là Keo Dưới, hay Keo Hạ, tức chùa Keo làng Hành Thiện ngày nay. Một bộ phận cư dân khác lại dời sang tả ngạn sông Hồng, lập làng Dũng Nhuệ trên đất Thái Bình và dựng lên chùa Keo, gọi là chùa Keo Trên (Keo Thượng). Cả 2 chùa Keo hiện nay có nhiều nét tương đồng và cùng thờ Thiền sư Không Lộ. Tuy nhiên do được xây dựng trước, chùa Keo Hành Thiện (Nam Định) có ảnh hưởng rất lớn đến kiến trúc xây dựng chùa Keo Dũng Nghĩa (Thái Bình) sau này.
Khu di tích Chùa Keo Hành Thiện bao gồm: Chùa Keo trong (Thần Quang tự) và Chùa Keo ngoài (Đĩnh Lan tự). Nhìn chung, không gian chùa là cả một quần thể kiến trúc bề thế, sống động mang đậm chất phong thủy truyền thống. Tọa lạc gần đê sông với phía trước chùa là hồ bán nguyệt, nước ngả màu xanh lục, tháp chuông mái cong, uy nghiêm mà tinh tế bởi những điểm nhấn, những nét chạm khắc hoa văn không quá cầu kỳ nhưng lại thể hiện kỹ thuật tinh xảo từ bàn tay khéo léo của những nghệ nhân tài hoa năm xưa.
Chùa Keo ngoài (Đĩnh Lan tự), di tích quốc gia đặc biệt 2013 (ảnh sưu tầm)
Sân chùa có hòn non bộ theo thế tam sơn, long chầu hổ phục, gần đó là đôi voi đá khổng lồ, những tấm bia đá và hàng cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm tỏa bóng lên con đường lát gạch cổ dẫn vào chùa. Hai dãy hành lang bên hông nhà Tổ là hai lối đi nhỏ, tạo nên sự gần gũi, gắn kết những bước chân chậm rãi của du khách đến với miền tâm linh vừa thanh tịnh, thư thái, nhưng cũng lại rất cổ kính, tôn nghiêm. Cùng với kiến trúc lâu đời, chùa cũng còn lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị từ thế kỷ XVII như những án thư, sập thờ, tượng pháp nhiều chuông khánh, văn bia cổ, hoành phi câu đối, kinh sách chữ Hán.
Chùa Keo trước lễ hội (ảnh Trang tin làng Hành Thiện)
Là trung tâm của Nho học, nhưng người Hành Thiện luôn giữa thiện tâm, kính Phật, kính Pháp luôn nhớ công ơn thiền sư Không Lộ. Cũng vì vậy, chùa Keo trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, chính trị quan trọng của dân làng, là nơi họp bàn hay tổ chức những sự kiện lớn của làng. Lễ hội làng cũng bắt đầu từ chùa và lấy chùa là trung tâm của mọi hoạt động lễ hội.
Đêm lễ hội Chùa Keo (ảnh Trang tin làng Hành Thiện)
Trong lịch sử cũng có nhiều người di cư đến sinh sống, lập nghiệp tại làng, họ cư ngụ xung quanh chùa và hình thành xóm Chùa. Tuy nhiên khác với một số vùng miền có sự phân biệt dân gốc và dân ngụ cư, người Hành Thiện lại không có sự phân biệt này, trái lại họ luôn có thái độ rộng mở, hết lòng giúp đỡ những người ngụ cư trở thành dân làng một cách chính danh. Nguồn gốc họ Đặng Vũ xuất phát từ những việc nhân nghĩa này khi người ngụ cư họ Vũ đã được họ Đặng nuôi và cho phép thờ tự họ Đặng.
Kết thúc Kỳ 2 (còn tiếp...)
Kỳ 3: Về Lễ hội Chùa Keo - Hành Thiện tháng 9 Âm lịch