Tác giả bài viết: Hùng Anh
Trên cơ sở kết quả hoạt động của Ủy ban liên lạc lâm thời các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ngày 26/3/1983, tại Thủ đô Hà Nội đã cử hành trọng thể Đại hội thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam).
Đại hội thành lập Liên hiệp Hội (LHH) Việt Nam thành công đáp ứng nguyện vọng thiết tha của các Hội Khoa học – Kỹ thuật, của các nhà khoa học Việt Nam, mong muốn có một tổ chức chung để tập hợp, đoàn kết sức mạnh đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ cả trong và ngoài nước. Đồng thời điều hòa, phối hợp các hoạt động của các Hội thành viên để có được tiếng nói thống nhất, đề đạt những ý kiến chung với Đảng và Nhà nước.
Qua gần 40 năm hình thành và phát triển, đến nay, LHH Việt Nam có hệ thống từ Trung ương đến địa phương với 153 Hội thành viên. Trong đó, có 90 Hội ngành toàn quốc và 63 LHH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 596 tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc.
Tại Điều lệ khóa I nhiệm kỳ 1983-1988, LHH Việt Nam được xác định “Là tổ chức quần chúng xã hội tự nguyện của tất cả các Hội Khoa học và Kỹ thuật của người Việt Nam trong và ngoài nước”. Chỉ thị số 35-TB/TW ngày 11/4/1988 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) xác định LHH Việt Nam “Là tổ chức xã hội tự nguyện của tất cả các Hội Khoa học và Kỹ thuật của người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước’’. Đối với cơ chế vận hành bộ máy, “LHH Việt Nam có hệ thống tổ chức từ Trung ương đến tỉnh, thành phố đặc khu trực thuộc Trung ương”, “được tổ chức và hoạt động theo cơ cấu và quy chế của một đoàn thể quần chúng cấp Trung ương, có biên chế độc lập, có tài chính riêng, có cơ quan ngôn luận và xuất bản riêng”.
Tại Thông báo số 52-TB/TW ngày 31/8/1993 của Ban Bí thư xác định, LHH Việt Nam là “Một tổ chức chính trị - xã hội của trí thức Việt Nam” với chức năng tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức của đất nước. Đây là dấu mốc quan trọng mở đầu trang mới của LHH Việt Nam được chuyển sang hoạt động như một tổ chức “chính trị - xã hội”.
Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 11/11/1998 của Bộ Chính trị; Thông báo 145-TB/TW ngày 9/7/2004 của Ban Bí thư đều khẳng định, LHH Việt Nam tiếp tục vận hành tổ chức bộ máy theo cơ chế như “một tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam”. Ngày 16/4/2010, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của LHH Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Trong đó, LHH Việt Nam được Bộ Chính trị khẳng định là một tổ chức chính trị - xã hội, có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Phát triển Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, LHH Việt Nam được Ban Bí thư đánh giá đã đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống tổ chức bộ máy từng bước được củng cố, kiện toàn; địa bàn, phạm vi hoạt động ngày càng mở rộng... Những kết quả này là cơ sở thực tiễn quan trọng để Ban Bí thư ban hành Kết luận số 93-KL/TW ngày 20/11/2020 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, là căn cứ pháp lý quan trọng để LHH Việt Nam phát triển thành một tổ chức chính trị - xã hội thực sự vững mạnh trong thời đại nền kinh tế tri thức và kinh tế số.
Quán triệt quan điểm của Đảng, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ của LHH Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TTg ngày 21/10/2015), trong đó tiếp tục khẳng định: “Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam”, “Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
LHH Việt Nam có Đảng đoàn là tổ chức đảng do Ban Bí thư thành lập để thay mặt Đảng chỉ đạo hoạt động của đội ngũ trí thức, nhất là trí thức khoa học và công nghệ, tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong đội ngũ trí thức, góp phần đưa đường lối, chủ trương chính trị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào đời sống xã hội.
LHH Việt Nam thể hiện vai trò là một thành tố không thể thiếu của hệ thống chính trị nước ta. Là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện chính trị cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong quan hệ với Đảng và Nhà nước; cùng với các tổ chức, đoàn thể khác trong hệ thống chính trị hợp thành nền tảng liên minh công – nông – trí.
Bên cạnh những tính chất chính trị rõ nét, LHH Việt Nam còn có tính chất xã hội. LHH Việt Nam là tổ chức tự nguyện, tập hợp, đoàn kết và đại diện cho tiếng nói, ý chí của các Hội thành viên và các tổ chức khác; bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các Hội thành viên, tập hợp và đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của các hội viên.
Kết quả các hoạt động LHH Việt Nam góp phần giải quyết các vấn đề của xã hội như huy động các nguồn lực cho hoạt động khoa học và công nghệ, xóa đói, giảm nghèo, phòng trừ bệnh tật, phòng, chống thiên tai, địch họa, bảo vệ môi trường; các hoạt động tương thân tương ái và hỗ trợ cộng đồng hướng đến sự phát triển bền vững.
LHH Việt Nam thông qua các Hội thành viên để truyền thông, phổ biến kiến thức, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, góp phần vào việc tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm nghèo bền vững, cải thiện chất lượng cuộc sống Nhân dân; tổ chức các hoạt động giáo dục - đào tạo, góp phần xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
LHH Việt Nam phối hợp với các tổ chức khác của hệ thống chính trị nước ta để triển khai các hoạt động chung nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, tăng cường liên minh công nhân - nông dân - trí thức và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phản ánh nguyện vọng và ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ với Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Từ những đóng góp đó, sự ra đời của LHH Việt Nam là một tất yếu khách quan vừa thực hiện sứ mệnh chính trị vừa thực hiện sứ mệnh xã hội. Chính vì lẽ đó, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định LHH Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam.
Nguồn tin: Bài đăng trên tạp chí in số 3 tháng 3/2023: