Tác giả bài viết: Giang Lam
Nghệ nhân dân gian được ví như con tằm rút ruột nhả tơ cả đời gắn bó với văn hóa truyền thống bằng niềm đam mê và sự cống hiến. Họ là những người thầy có thể không có “thù lao”, sớm tối say mê đến từng bản làng để sưu tầm, lưu giữ sách cổ, nghi lễ cổ truyền trong hành trình gìn giữ nét đẹp văn hóa cùng với bao điều ước vọng.
Nghệ nhân dân gian Chu Tuần Ngân, bản Pình, xã Trung Minh (huyện Yên Sơn) chia sẻ: Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, có nhiều người trẻ “mất gốc” tiếng mẹ đẻ, tiếng dân tộc. Bên cạnh tiếng nói thì trang phục, phong tục tập quán dần bị âu hóa tạo nên sự “đứt gãy văn hóa” khiến nhiều nghệ nhân không khỏi trăn trở.
Nhiều nghệ nhân đã có cách làm để “thắp lửa” tình yêu văn hóa dân tộc cho người trẻ. Từ việc tổ chức những lớp học miễn phí đến việc “tiếp lửa” phong trào văn hóa văn nghệ tại các bản làng, trường học.
Nghệ nhân Ưu tú Hà Văn Thuấn, xã Tân An (huyện Chiêm Hóa) là người dày công trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. Bao năm qua, ông đã đứng ra mở lớp dạy hát Then, đàn Tính miễn phí cho anh em, họ tộc, bà con ở nhiều nơi trong tỉnh.
Nhờ sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của các nghệ nhân, nhiều người trẻ từ sự yêu thích, say mê đã ngày càng hát hay, đàn giỏi.
Nghệ nhân Ưu tú Tiêu Sơn Học, thôn Đồng Giàn, xã Đội Bình (huyện Yên Sơn) chia sẻ, trong cuộc sống hiện nay, nhiều luồng văn hóa khác nhau đã du nhập đến các bản làng. Bọn trẻ dần quên không học, không nói tiếng dân tộc mình. Trăn trở mãi, ông tự đứng ra tổ chức lớp học ngay tại nhà. Anh Trần Văn Bảo, xã Tân Long (Yên Sơn) đã có 5 năm là học trò của ông Học tâm sự, đến nay anh đã đọc thông, viết thạo chữ Hán – Nôm. Anh cảm thấy rất vui và tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
Ông Hà Ngọc Cao, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) chia sẻ: “Từ khi được phong danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm 2017 đến nay, tôi vẫn miệt mài truyền dạy văn hóa dân gian theo hình thức tự nguyện, miễn phí vì cộng đồng”.
Còn theo Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Dừn, xã Đại Phú (Sơn Dương), nhiều nghệ nhân hiện nay mong muốn được tạo điều kiện về vật chất, tinh thần để cống hiến trọn vẹn hết mình cho văn hóa dân tộc.
“Xã hội phát triển, người trẻ có nhiều quyền lựa chọn để phát triển bản thân. Do đó tôi mong muốn cần có sự ưu đãi để thu hút người trẻ mạnh dạn, tự tin tìm đến văn hóa dân tộc”, Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Dừn bộc bạch.
Văn hóa của các DTTS được ví như mạch ngầm tuôn chảy ngàn năm. Mỗi Nghệ nhân dân gian là gạch nối để kết nối các thế hệ gìn giữ văn hóa dân tộc mình. Chia sẻ của những Nghệ nhân dân gian cũng là mong muốn được các cấp, ngành quan tâm để có thêm động lực trên con đường bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của dân tộc.
Nguồn tin: baodantoc.vn