Tác giả bài viết: Hoàng Anh- Lê Hoàng
Lễ hội Cầu ngư là ngày hội văn hóa của cả cộng đồng, tràn đầy lạc quan và hy vọng, là nguồn cổ vũ cho ngư dân có thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn trong nghề sông nước. Lễ hội được các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá là một trong những lễ hội quy mô, độc đáo và hấp dẫn của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngày 2/2 (nhằm ngày 12 tháng Giêng âm lịch) tại đình làng văn hoá Thai Dương, phường Thuận An, TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã diễn ra Lễ hội cầu ngư.
Đây là lễ hội lớn nhất của bà con ngư dân vùng ven biển Thuận An, TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) được tổ chức 3 năm một lần nhằm cầu cho mưa thuận, gió hoà, tàu thuyền ra khơi thuận buồm xuôi gió, khai thác được nhiều thủy sản trong năm.
Sau nghi lễ tế tự tại đình làng Thai Dương theo nghi thức truyền thống, phần hội với hoạt cảnh làm trò đánh bắt cá hết sức tươi vui trong ngày đầu năm mới. Nhiều màn tái hiện sinh hoạt văn hóa của ngư dân vùng biển, những cảnh hoạt động nghề biển trên cạn, dưới nước... cũng đã được diễn ra.
Trước đó, vào ngày 1/2 (ngày 11 tháng Giêng Âm lịch), tại làng Thai Dương Hạ (xã Hải Dương) cũng đã diễn ra lễ hội cầu ngư truyền thống của làng. Lễ hội cầu ngư phản ánh đời sống đạo đức, trí tuệ, tinh thần của ngư dân vùng biển. Đồng thời, giúp các ngư dân an tâm bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo.
Trước đây hai làng Thai Dương và Thai Dương Hạ (xã Hải Dương) đều cùng một làng Thai Dương Thượng Hạ. Đến sau trận lũ lớn năm 1897, một cửa biển mới đã mở ra giữa làng Thai Dương Thượng Hạ mà người dân gọi là cửa Sứt, thay thế cho cửa biển ở Hòa Dân bị bồi lấp. Từ đó làng Thai Dương Thượng Hạ đã bị chia cắt thành hai làng Thai Dương và Thai Dương Hạ như ngày nay.
Lễ hội Cầu ngư là ngày hội văn hóa của cả cộng đồng, tràn đầy lạc quan và hy vọng, là nguồn cổ vũ cho ngư dân có thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn trong nghề sông nước. Lễ hội được các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá là một trong những lễ hội quy mô, độc đáo và hấp dẫn của tỉnh Thừa Thiên Huế./..
Nguồn tin: Dangcongsan.vn