Tác giả bài viết: Diệp Anh
Tối 13/9, Lễ trao Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hoá, thể thao và du lịch” lần thứ Nhất đã được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội. 94 tác phẩm xuất sắc nhất đã vinh dự được chọn để trao 04 giải Nhất, 15 giải Nhì, 25 giải Ba và 50 giải Khuyến khích.
Đến dự lễ trao giải có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cùng đông đảo các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương, địa phương, các tác giả đoạt giải và các phóng viên báo chí…
Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch" lần thứ nhất được phát động vào ngày 26/12/2022. Kể từ ngày phát động, giải đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà báo, các cơ quan báo chí trong cả nước.
Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp phát triển văn hoá, thể thao và du lịch" cũng giới thiệu, quảng bá những kết quả, thành tựu của công tác văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình. Đồng thời, phát hiện những điển hình tiên tiến trong ngành; cổ vũ, động viên cán bộ toàn ngành chung sức, đồng lòng tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình.
Các tác phẩm cũng góp phần chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập; đưa ra giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu, quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động phát triển sự nghiệp văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình từ Trung ương đến địa phương.
Đây cũng là cơ hội để các nhà báo, phóng viên, biên tập viên được trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, báo chí đối với lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch, gia đình.
Giải thưởng được trao cho các tác giả, nhóm tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc, phản ánh về người thật, việc thật; có tính phát hiện, phản ánh chính xác, kịp thời về những tập thể, cá nhân, hành động tích cực, điển hình tiên tiến; phê phán thói hư, tật xấu trong xã hội… với một trong các nội dung trọng tâm: triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống; hiện thực hóa các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, cấp ủy các cấp; vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thực trạng về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình và giải pháp hoàn thiện.
Đến hết hạn gửi tác phẩm dự thi, Tiểu ban Thư ký – Tổng hợp nhận được tổng số 1079 tác phẩm dự giải. Đây là số lượng tác phẩm lớn, nhất là đối với một giải báo chí ngành tổ chức trong năm đầu tiên. Điều này thể hiện sự quan tâm cao của các nhà báo và công chúng báo chí đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Hội đồng sơ khảo được thành lập gồm 05 tiểu ban: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh, Truyền hình và Báo ảnh để chấm 1028 tác phẩm hợp lệ, trong đó: Loại hình báo in có 345 tác phẩm; Loại hình báo điện tử có 299 tác phẩm; Loại hình phát thanh có 89 tác phẩm; Loại hình truyền hình có 201 tác phẩm; Loại hình báo ảnh có 94 tác phẩm.
Công tác tiếp nhận, sàng lọc và tổng hợp tác phẩm được Tiểu ban Thư ký – Tổng hợp tiến hành đúng quy định, đúng tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thẩm định tác phẩm của Hội đồng sơ khảo. Hội đồng sơ khảo đã lựa chọn được 131 tác phẩm xuất sắc nhất trình Hội đồng chung khảo.
Hội đồng chấm chung khảo đã tổ chức phiên họp tập trung tại Hà Nội để thảo luận, cho điểm và xét các tác phẩm đạt Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch" lần thứ Nhất. Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ của 131 tác phẩm do Hội đồng sơ khảo đề xuất vào vòng chung khảo, Hội đồng Chung khảo đã tiến hành khẩn trương, công tâm, khách quan, bám sát Thể lệ, Quy chế chấm Giải và chọn được 94 tác phẩm xuất sắc nhất để trao 04 giải Nhất, 15 giải Nhì, 25 giải Ba và 50 giải Khuyến khích cho các cá nhân, đồng thời trao tặng 03 giải tập thể.
Trong đó Giải nhất ở thể loại Báo in thuộc về tác phẩm: Chấn hưng văn hóa Việt Nam - yêu cầu được khẳng định từ thực tiễn của tác giả Nguyễn Thị Mai Anh (Tạp chí Cộng sản). Ở thể loại Báo điện tử là loạt 4 kỳ: "Các hệ giá trị Việt Nam - "ngọc" càng mài càng sáng" của các tác giả: Vũ Lệ Huyền, Phạm Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Thảo, Tô Minh Ngọc, Trần Thị Yến (Báo Quân đội Nhân dân). Ở thể loại Truyền hình là Toạ đàm: 80 năm Đề cương văn hoá Việt Nam của các tác giả: Nguyễn Quý Mạnh Minh, Lê Quang Nga (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương). Thể loại ảnh là phóng sự ảnh: Người thổi hồn cho đất thành Di sản thế giới- của tác giả Trần Văn Huấn (Báo Văn hóa).
Tại lễ trao giải, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát động Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” lần thứ hai.
Nguồn tin: Theo www.chinhphu.vn: