Tác giả bài viết: Hương Lan
Ngành du lịch là một trong những ngành tiên phong thực hiện chuyển đổi số khi đưa việc đặt vé máy bay và khách sạn lên trực tuyến. Mặt khác, sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi của khách du lịch, từ việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, trải nghiệm tại điểm đến cũng như chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm về chuyến đi, hầu hết đều đã diễn ra trên môi trường số.
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 vừa qua cũng đã khiến ngành du lịch phải thay đổi và có giải pháp ứng phó linh hoạt hơn. Nhờ việc chuyển đổi số trong mùa dịch mà nhiều hoạt động quản lý và kinh doanh của doanh nghiệp du lịch đã gặt hái được một số thành tựu trong việc tổ chức tour du lịch, đặt tour, đặt khách sạn, đặt dịch vụ...
Một số doanh nghiệp du lịch cũng đã chuyển đổi số thành công sang mô hình hoạt động trực tuyến, phù hợp với mọi hoàn cảnh, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới".
Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google, từ đầu năm 2023 tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong tốp đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6 hiện nay và thuộc nhóm có mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, từ 10 - 25%. Việt Nam là điểm đến duy nhất trong khu vực Đông Nam Á thuộc nhóm này.
Nguyên nhân là do ngành du lịch đã chuyển đổi số được một số kết quả tích cực. Đây cũng chính là cơ hội để ngành du lịch đẩy mạnh chuyển đổi số trong thời gian tới để quảng bá, xúc tiến, giới thiệu các điểm đến đặc sắc đến với bạn bè quốc tế nhiều hơn.
Để phát triển ngành du lịch, tại Diễn đàn "Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch", Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết toàn ngành sẽ phải tập trung phát triển du lịch thông minh để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch.
Hai là phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể, từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước, tập trung phát triển một số nền tảng số căn bản của ngành du lịch, hoàn thiện hệ thống thông tin số, dữ liệu số ngành du lịch.
Cùng với đó, cần phát triển các ứng dụng khai thác thông tin từ hệ thống dữ liệu du lịch nhằm hỗ trợ khách du lịch, hỗ trợ quản lý nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến thông minh, quản lý doanh nghiệp thông minh.
Tiếp đó, tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch kỹ thuật số, tuyên truyền nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về du lịch thông minh, du lịch số.
Cuối cùng là phát huy cơ chế hợp tác công tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch. Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực số. Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số du lịch, nhất là với các tập đoàn công nghệ toàn cầu để tận dụng tri thức và nguồn lực.
Nguồn tin: doanhnghiepvakinhtexanh.vn: