Tác giả bài viết: Bích Phương
Các doanh nghiệp Hà Nội đã dần bắt kịp xu hướng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu. Điều này, đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của địa phương.
Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố, chỉ số thương mại điện tử (EBI) của thành phố Hà Nội đứng thứ 2 cả nước, đạt 85,9 điểm; doanh số thương mại điện tử B2C ước chiếm 11% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn; tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến ước đạt 50%; tỷ lệ doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử ước đạt 45%.
Ông Tạ Dũng Trí, Phó Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp tại Hà Nội đã bắt kịp xu hướng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu. Điều này đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của địa phương.
Chia sẻ về hành trình từ một nhà sản xuất truyền thống trở thành một doanh nghiệp phát triển quốc tế năng động nhờ việc tiếp cận khách hàng toàn cầu thông qua Amazon, Phó Tổng giám đốc An Phát Holdings Nguyễn Lê Thăng Long cho biết, với khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên có giá trị, các công cụ đổi mới và sự hỗ trợ của đội ngũ bán hàng toàn cầu tại từng địa phương, An Phát Holdings đã có thể giới thiệu sản phẩm xanh mang thương hiệu AnEco của mình một cách hiệu quả, kết nối với khách hàng trên toàn thế giới và phát triển một cách vượt bậc.
Ông Nguyễn Lê Thăng Long cũng kỳ vọng, câu chuyện của An Phát Holdings có thể chứng minh những cơ hội hấp dẫn dành cho nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon, khuyến khích mọi người đón nhận xu hướng xanh này và nỗ lực để đạt được những thành tựu mới cho doanh nghiệp mình.
Còn bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ DSW cho biết, từ doanh thu 3.000 USD cho đơn hàng xuất khẩu đầu tiên qua sàn thương mại điện tử Alibaba, đến nay con số này của công ty đã tăng lên 260.000 USD. Tiếp đà tăng trưởng này, DSW đặt mục tiêu thời gian tới kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 triệu USD, tiếp tục đưa hàng Việt Nam vào thị trường EU.
Thông qua các sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba, Shopee Global…, người tiêu dùng trên thế giới có thể mua hàng với số lượng lớn hoặc mua lẻ từ các nhà bán hàng Việt Nam.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn do bất ổn chính trị diễn ra trên thế giới, song kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm của thành phố Hà Nội đạt 6,781 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,4 tỷ USD. Để đạt được kết quả trên có sự đóng góp một phần không nhỏ của thương mại điện tử.
Dù đạt được kết quả đáng ghi nhận, xong đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng nhìn nhận, việc đưa thương mại điện tử vào xuất khẩu cũng đặt ra một số khó khăn và thách thức. Cụ thể, các doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề về cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác, kỹ năng quản lý thương mại điện tử còn hạn chế, quy trình hải quan và vận chuyển quốc tế còn khó khăn và phức tạp…
"Đây là những vấn đề cần chú trọng để nâng cao hiệu quả của xuất khẩu trực tuyến và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp", Phó Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Hà Nội Tạ Dũng Trí khẳng định.
Thông tin về tiềm năng của thương mại điện tử xuyên biên giới trong thời đại số, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới hiện đang là xu hướng bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó Khu vực Đông Nam Á vẫn được đánh giá có nhiều tiềm năng tăng trưởng.
"Tại Việt Nam, đây cũng là lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp chủ trương phát triển kinh tế số do Chính phủ đề ra", ông Thành nhấn mạnh và nhận định, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam dự kiến đạt 256,1 nghìn tỷ đồng vào năm 2026.
Nắm bắt cơ hội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã và đang đa dạng hóa các chương trình để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, hoàn thiện các chính sách XK trực tuyến, tìm hiểu các rào cản mà các doanh nghiệp gặp phải, qua đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Bên cạnh việc tìm hiểu nắm bắt thông tin từ doanh nghiệp, Cục cũng cung cấp tài nguyên giáo dục và các chương trình đào tạo để giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kinh doanh quốc tế và đạt được thành công trên quy mô toàn cầu.
Nguồn tin: Theo www.chinhphu.vn: