Tác giả bài viết: Thanh Thanh
Nằm trên vùng đất xứ Đoài xưa, làng nghề mộc Ngọc Than (Quốc Oai, Hà Nội) nổi tiếng với những tác phẩm gỗ tinh xảo và độc đáo. Làng nghề Ngọc Than không chỉ là nơi duy trì, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nghề chạm khắc gỗ ở làng Ngọc Than đã có từ hàng trăm năm trước. Đây là niềm tự hào của người dân xứ Đoài xưa, là nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ nhân thế hệ sau. Với tư duy sáng tạo, bàn tay tài hoa khéo léo, những người thợ mộc tài ba đã thổi hồn vào từng sản phẩm, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt và độc đáo. Không những làm giàu cho người dân địa phương, nghề chạm khắc gỗ Ngọc Than còn góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống.
Nghề mộc dân dụng xuất hiện ở Ngọc Than phát triển theo hình thức cha truyền, con nối. Trước đây, công việc chính của nghề mộc dân dụng Ngọc Than là làm nhà gỗ mái chảy, lợp ngói hay lợp gianh; đóng bàn ghế, tủ, giường đơn giản bằng những loại gỗ thông thường và nhiều vật dụng gia đình khác. Các sản phẩm được chế tác thủ công bằng đôi bàn tay tài hoa, từng chi tiết tỉ mỉ và chăm chút, tạo nên nét đẹp độc đáo và sự trường tồn của nghệ thuật gỗ truyền thống.
Nhưng từ năm 2000 trở lại đây, phát triển thêm nghề đục chạm đồ thờ cao cấp. Đến Ngọc Than, ngay từ đầu làng đã nghe thấy những tiếng lách cách của người thợ mộc đang gõ đục trên những thớ gỗ. Với sức sáng tạo và đôi tay khéo léo, người dân làng nghề đã tạo ra hàng nghìn sản phẩm điêu khắc gỗ đặc sắc, giàu tính truyền thống, như: Hoành phi, câu đối hay sản phẩm mang tính thời đại, như: Tranh khắc gỗ, bàn ghế, hoa gỗ… Đồ gỗ Ngọc Than được tiêu thụ khắp nơi trên cả nước và không ít sản phẩm được xuất khẩu… Với bàn tay khéo léo, khối óc sáng tạo của những người thợ cả Ngọc Than, sản phẩm của làng nghề ngày càng khẳng định thương hiệu, không ít người đã làm giàu từ nghề mộc quê hương.
Bước vào thời đại công nghiệp hoá, nghề mộc truyền thống từng gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với hàng loạt sản phẩm công nghiệp. Tuy nhiên, với lòng đam mê và tình yêu thương với nghề, người thợ mộc ở làng Ngọc Than đã không ngừng gìn giữ và phát huy tinh hoa nghề mộc truyền thống.
Không chỉ giữ nguyên những phương pháp làm việc cổ xưa, các nghệ nhân trong làng còn liên tục cải tiến, ứng dụng những kỹ thuật mới, hiện đại vào sản xuất. Điều này giúp cho những sản phẩm gỗ của làng Ngọc Than không chỉ giữ được sự tinh tế, mà còn đáp ứng được các yêu cầu về thiết kế và tính năng của thời đại mới.
Ở làng Ngọc Than, nhiều hộ dân chuyên sản xuất đồ mộc thờ cúng. Để có được những sản phẩm thờ cúng chạm khắc tinh xảo, người thợ không chỉ cần sự khéo léo mà còn phải am hiểu về lịch sử, văn hóa truyền thống. Trong câu chuyện với người dân làng nghề, chúng tôi được biết, để tạo ra một bức tượng, khó nhất là “đổ diện tượng” - đục khuôn mặt tượng.
Việc này đòi hỏi người thợ phải làm ra được “thần thái” của nhân vật định tạo tác. Ví như, tượng “ Bà nghìn mắt, nghìn tay” thì gương mặt phải toát lên được nét thanh tịnh, hiền từ; tượng “Di Lặc” thì gương mặt phải hoan hỷ, sảng khoái… Vì thế, những người có thể “đổ diện tượng” ở làng nghề Ngọc Than luôn có mức thu nhập cao, tới 1 triệu đồng/ngày công.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề mộc, Chủ tịch Hội làng nghề mộc Ngọc Than Đỗ Đình Thường cho biết, nghề chạm khắc các công đoạn đều làm thủ công. Vì vậy, khi chọn cần rất cẩn thận chọn loại gỗ ít cong vênh, có độ dẻo, dai đảm bảo khi khô không bị mối mọt.
Bên cạnh đó, người thợ phải khéo léo để các nét đục, chạm phải sắc sảo, hình dáng, chi tiết của bản chạm khắc sinh động, có hồn. “Đây là nghề không đòi hỏi người thợ phải có năng khiếu, kiên trì, khéo léo và tâm huyết thì mới có thể chạm đến sự thăng hoa thổi hồn vào những khối gỗ, giúp chúng trở nên sống động và lan truyền cảm xúc tới người thưởng lãm” – ông Thường cho hay.
Theo Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ Nguyễn Tiến Dũng, hiện làng Ngọc Than có 1.700 "nóc nhà" thì có tới hơn 140 hộ gia đình làm nghề sản xuất đồ mộc. Trong đó có nhiều xưởng sản xuất quy mô lớn, quy tụ hàng chục thợ tham gia. “Thu nhập của người dân Ngọc Than nói riêng và xã Ngọc Mỹ nói chung chủ yếu từ làng nghề, đồng thời chiếm hơn 60% tổng giá trị thu nhập toàn xã.
Năm 2022, có 2 chủ thể nghề chạm khắc gỗ của xã đã mạnh dạn đưa sản phẩm dự thi Chương trình mỗi xã một sản phẩm () của thành phố, bước đầu được đánh giá, phân hạng đều đạt "4 sao". Kết quả này minh chứng, khẳng định chất lượng sản phẩm của làng nghề mộc Ngọc Than; và tạo cơ hội để làng nghề quảng bá sản phẩm đến đông đảo khách hàng trong, ngoài thành phố, cũng như một số nước trên thế giới…”.
Hiện nay, Tên tuổi và uy tín của làng nghề ngày càng được nhiều người biết đến, sản phẩm đã vươn ra được thị trường khó tính. Đặc biệt, trong làng đã xuất hiện nhiều “phó cả” nghề mộc có thể đảm đương được việc phục dựng các công trình nhà cổ, đình, chùa... ở khắp cả nước. Thậm chí, nhiều người thợ trong làng còn được đi thi công các công trình lớn ở nước ngoài như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ...
Để nâng cao giá trị sản phẩm và tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, người dân làng Ngọc Than đã hợp tác thành các tổ hợp sản xuất, thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, các cơ quan chức năng và tổ chức có trách nhiệm xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm làng nghề, giúp sản phẩm gỗ truyền thống của làng Ngọc Than tiếp cận đến nhiều khách hàng trong và ngoài nước.
Làng nghề mộc Ngọc Than có vai trò rất quan trọng với địa phương. Với tinh hoa nghề mộc truyền thống độc đáo đã góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc. Sự kết hợp giữa tinh hoa nghệ thuật cổ điển và kỹ thuật hiện đại không chỉ giữ vững sự độc đáo mà còn giúp tạo công ăn việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đặc biệt, nhờ có nghề mà thanh niên trong làng rất chí thú làm ăn, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn luôn ổn định. Tuy nhiên, việc thiếu mặt bằng sản xuất đang là một khó khăn lớn của làng nghề. Để tiếp tục phát triển bền vững, làng mộc Ngọc Than cần nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ cộng đồng và các cơ quan chức năng, giúp làng nghề vươn xa hơn trên con đường phát triển nghệ thuật gỗ Việt Nam, xa hơn nữa là phát triển thành một địa điểm du lịch làng nghề trong tương lai.
Nguồn tin: nongthonvaphattrien.vn: