Tác giả bài viết: Đặng Đình Chấn
Thời gian đã đi qua 78 năm kể từ mùa thu năm ấy, đất nước và nhân dân ta đã trải qua nhiều thử thách, nhiều biến cố trọng đại, nhưng dấu ấn của Cách mạng Tháng Tám vẫn mãi mãi là ngọn lửa bất diệt trong trái tim mỗi người dân Việt, là một dấu mốc trọng đại trong lịch sử dân tộc.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam; là thành tựu tuyệt vời của truyền thống bất khuất quật cường, của tinh thần, ý chí, trí tuệ con người Việt Nam. Thành công đó có được do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, tài tình của Đảng; là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo. Đảng ta có phương pháp, chiến lược, chiến thuật cách mạng phù hợp, linh hoạt; nhận thức được thời cơ, chủ động đón thời cơ và kiên quyết chớp thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Bên cạnh đó là tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường của các tầng lớp nhân dân ta, không chịu sống mãi kiếp nô lệ của người dân mất nước, một lòng đi theo Đảng và được Đảng lãnh đạo qua các cuộc tổng diễn tập, đã quyết vùng lên giành độc lập cho dân tộc. Cách mạng Tháng Tám thành công cũng còn do được tiến hành trong bối cảnh quốc tế có những thuận lợi nhất định khi mà chủ nghĩa phát xít Đức, Ý, Nhật đã bị đánh bại, phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức và của các lực lượng tiến bộ trên thế giới phát triển mạnh…
Đất nước được độc lập, dân tộc được tự do là nền tảng cơ bản, là thành quả cách mạng quý giá phải đánh đổi bằng bao xương máu, sự hy sinh của nhiều thế hệ cha anh... Cho nên độc lập, tự do mà nhân dân không ấm no, nước nhà không cường thịnh thì cái nghĩa của độc lập, tự do sẽ không được vẹn toàn. Chính vì thế toàn dân ta quyết tâm theo Đảng với tinh thần quật khởi của cách mạng tháng Tám để làm tiếp một cuộc cách mạng nữa, đó là cuộc cách mạng xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân được ấm no hạnh phúc, dân chủ, văn minh trên tinh thần đổi mới.
Trải qua 37 năm đổi mới (1986 – 2023), một chặng đường dài đầy thử thách, gian nan, để đến hôm nay đất nước ta đã có nhiều đổi thay tốt đẹp, với những bước tiến dài đầy triển vọng. Từ một nước thiếu đói, nước ta đã trở thành một nước xuất khẩu gạo thuộc hàng đầu của thế giới, sản phẩm của ngành nông nghiệp, thủy, hải sản, nông sản cũng vươn mạnh ra thị trường nước ngoài… Công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt kết quả rất tích cực, được nhiều bạn bè và các tổ chức quốc tế công nhận…
Đại hội XIII của Đảng (tháng 2 năm 2021) đã nhận định: ”Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”. Diện mạo đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Ðại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang đạt được một số kết quả tích cực. Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu (tính đến tháng 1.2023, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 191 quốc gia và vùng lãnh thổ).
Về kinh tế, theo Tổng cục thống kê, quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2022 của nước ta đạt khoảng 9,513 triệu tỉ đồng, tương đương 409 tỉ USD; GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt khoảng 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021; Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 đạt khoảng 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021). Mức tăng trưởng trung bình đạt khoảng 7% mỗi năm. Từ năm 2008 Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp. Cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội xét trên phương diện quan hệ sở hữu, gồm khoảng 27% từ kinh tế nhà nước, 4% từ kinh tế tập thể, 30% từ kinh tế hộ, 10% từ kinh tế tư nhân trong nước và 20% từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài…
Nhờ kinh tế phát triển, Việt Nam có điều kiện thực hiện tốt hơn các chính sách xã hội, chăm sóc tốt hơn người có công, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm lo phần mộ của các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Đời sống văn hóa cũng được cải thiện đáng kể; sinh hoạt văn hóa phát triển phong phú, đa dạng. Việt Nam hiện có khoảng 70% dân số sử dụng internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển internet cao nhất thế giới. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.
Đặc biệt, sau khi cơ bản khống chế được đại dịch COVID-19, từ quý IV-2021 nền kinh tế Việt Nam đã mở cửa trở lại và có những bước hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,59% so với năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước. Thặng dư cán cân thương mại 11,2 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước... Những kết quả đó đạt được sau thời gian đại dịch đầy khó khăn và không phải không có cả những hy sinh, đã minh chứng cho sức vươn lên mạnh mẽ của đất nước ta, của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân.
Một trong những thành công lớn chúng ta đạt được sau 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đó là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao; quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế… Điều đó tạo nền tảng cho những bước phát triển lớn hơn về kinh tế - xã hội của nước ta trong những giai đoạn tiếp theo.
Hành trình 78 năm so với lịch sử dân tộc thì rất ngắn, nhưng với mỗi người Việt Nam thì đó thực sự là một chặng đường dài với nhiều biến cố, nhiều sự kiện, nhiều thử thánh và những thành quả cách mạng vô cùng tự hào, để có được cuộc sống độc lập, hòa bình, dựng xây hạnh phúc hôm nay.
Sống qua những mùa thu lịch sử, thấm hết lẽ buồn vui ở đời, những người ông, người bà, người cha, người mẹ luôn dặn dò con cháu: Không được quên lịch sử dân tộc, không quên ơn cách mạng, ơn Đảng và Bác Hồ; cũng không được quên các thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu, mồ hôi, công sức để chúng ta được cuộc sống hòa bình, hạnh phúc, đủ đầy ngày hôm nay.
Nguồn tin: vietnamhoinhap.vn: