Hội thảo khoa học “Vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”
Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Quý
Thứ năm - 12/10/2023 00:27
Thực hiện chương trình công tác năm 2023, sáng ngày 11/10/2023 (thứ 4), tại Phòng họp Tầng 2, nhà A, Viện Nghiên cứu Thanh niên đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”.
Đến dự Hội thảo, về phía các nhà khoa học, chuyên gia khách mời có sự tham gia của PGS.TS. Mạc Văn Tiến – Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp – Bộ Lao động, TB&XH; TS. Phạm Ngọc Linh – Trưởng khoa Công tác xã hội; ThS. Vũ Minh Lý – Bộ Tài nguyên và Môi trường; ThS. Bùi Diễm Hường, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế thanh niên, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Về phía Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Thanh niên có sự tham gia của TS. Đặng Vũ Cảnh Linh – Viện trưởng; TS. Đỗ Thị Thu Hằng – Phó Viện trưởng. Hội thảo còn có sự tham dự của các cán bộ Viện Nghiên cứu Thanh niên. PGS.TS. Mạc Văn Tiến và TS. Đặng Vũ Cảnh Linh đồng chủ trì điều hành Hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đặng Vũ Cảnh Linh đã nhận định rằng, hệ thống pháp luật của Việt Nam bên cạnh việc hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho thanh niên phát triển thì đồng thời cũng có những quy định rất rõ ràng về vị trí, vai trò, trách nhiệm của thanh niên đối với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội và các mục tiêu của quốc gia. Do đó, phạm vi Hội thảo sẽ tập trung thảo luận để xác định lại một số vấn đề quan trọng về lý luận và thực tiễn về vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là lộ trình phát triển bền vững đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về sự tham gia đóng góp của thanh niên trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam về việc làm, bảo vệ môi trường, văn hóa, sức khỏe và hạnh phúc, công tác xã hội, bình đẳng giới và hội nhập quốc tế.
Về lĩnh vực lao động – việc làm, PGS.TS. Mạc Văn Tiến đã trình bày các tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến việc làm của thanh niên. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mọi mặt đến đời sống xã hội, thanh niên – với vai trò là lực lượng lao động mạnh mẽ của xã hội, đã tiếp thu khoa học công nghệ rất nhanh nhạy, có kỹ năng nghề nghiệp, có tính sáng tạo rất lớn. Trong phát triển thanh niên, phát triển kỹ năng nghề nghiệp là vấn đề cốt lõi của việc làm cho thanh niên, hướng tới sự phát triển bền vững của mỗi cá nhân. Khi công nghệ thay đổi thì kỹ năng nghề nghiệp mà thanh niên trang bị cho bản thân cũng phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của các công việc mới, hướng tới kinh tế số, xã hội số.
Về lĩnh vực môi trường, ThS. Vũ Minh Lý đã chia sẻ việc phát huy vai trò của thanh niên trong bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Trong thời gian qua, đây là hoạt động nổi bật được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chú trọng. Ở cấp Trung ương, Bộ Tài nguyên Môi trường và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ký kết về bảo vệ môi trường trong thanh niên. Các cấp bộ đoàn cũng đã xây dựng và ban hành kết hoạch về bảo vệ môi trường hàng năm. Là đối tượng xung kích nhất trong việc thực hiện và đề xuất các sáng kiến về bảo vệ môi trường, do đó, bên cạnh các hoạt động do Đoàn, Hội tổ chức, còn có các hoạt động tự phát, tự lập của các nhóm thanh niên tình nguyện, đóng góp tích cực vào vấn đề bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề mà tổ chức Đoàn, Hội chưa chạm tới được hay chưa hỗ trợ tốt nhất cho thanh niên. Để khắc phục các hạn chế còn tồn tại, ThS. Vũ Minh Lý đã đề xuất 03 nhóm giải pháp về, hỗ trợ tín chấp, nguồn vốn mà tổ chức Đoàn có được trong khời nghiệp về bảo vệ môi trường; thành lập các đội thanh niên tình nguyện ứng phó với các sự cố về môi trường tại các địa bàn cơ sở và phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức thêm nhiều hoạt động tập huấn bảo vệ môi trường cho thanh niên.
Về lĩnh vực văn hóa, TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa đã trình bày vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững. Văn hóa là “sức mạnh mềm” của mỗi quốc gia, do đó, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, tôn trọng đa dạng văn hóa sẽ duy trì sự hòa bình, ổn định trên thế giới. Khi chấp nhận sự đa dạng văn hóa sẽ giúp tăng cường đối thoại giữa các nền văn minh, nâng cao sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia, đồng thời góp phần bình ổn giữa các sắc tộc, tôn giáo và các cá nhân trong xã hội. Tôn trọng đa dạng văn hóa được thể hiện trong các khía cạnh về kinh tế, sự gắn kết xã hội, an ninh quốc phòng, môi trường… Về giới trẻ, vai trò của họ trong thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa được thể hiện thông qua việc học hỏi và nâng cao hiểu biết về đa dạng văn hóa; tiếp nhận các giá trị văn hóa của nhân loại; đồng thời giữ gìn, phát triển và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc. TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa đã có một số kiến nghị về tăng cường giáo dục cho giới trẻ về truyền thống văn hóa của dân tộc; chủ động để giới trẻ tìm hiểu văn hóa của dân tộc mình; có các chương trình, học bổng học tập, trao đổi giao lưu văn hóa giữa các quốc gia và xây dựng môi trường phù hợp nhằm giúp giới trẻ lan tỏa văn hóa vì sự phát triển bền vững.
Về lĩnh vực sức khỏe, TS. Nguyễn Tuấn Anh đã trình bày về vấn đề sức khỏe và hạnh phúc của thanh niên vì sự phát triển bền vững. Trong những năm vừa qua, bên cạnh mục tiêu phát triển con người, mục tiêu phát triển thanh niên, Việt Nam đã có những cơ chế, chính sách, hỗ trợ để thanh niên có điều kiện tham gia nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần để trở thành con người toàn diện hơn và tạo ra nguồn lao động có chất lượng. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế về tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe giữa thanh niên thành thị và thanh niên nông thôn; trong chương trình giáo dục, các môn giáo dục thể chất được coi là môn phụ mà chưa coi là môn chính để thanh niên có ý thức đầu tư cho sức khỏe, ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của những nhà giáo dục về sức khỏe và hạnh phúc của thanh niên. Ngoài ra, hiện nay xã hội đang tập trung giáo dục kỹ năng, giáo dục kiến thức nhưng chưa tập trung cho giáo dục về cảm xúc cho thanh niên. Từ đó, TS. Nguyễn Tuấn Anh đã đề xuất một số tham góp đối với các cấp, các ngành và tổ chức xã hội về chú trọng hơn vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần cho thanh niên; có cơ chế, chính sách học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực cho thanh niên một cách cân bằng. Trong nhà trường trang bị kỹ năng sống và dinh dưỡng cho thanh niên để thích nghi được môi trường xã hội hiện nay; đổi mới các hoạt động thể chất trong nhà trường, khuyến khích thanh niên tham gia các hoạt động cộng đồng, nâng cao kỹ năng sống, cung cấp kiến thức, tư vấn về vấn đề giải tỏa áp lực trong cuộc sống.
Về hội nhập quốc tế, ThS. Bùi Diễm Hường đã trình bày tại Hội thảo yêu cầu của Liên hợp quốc đối với các quốc gia trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Với thanh niên, Liên hợp quốc đặt ra các yêu cầu đó là thanh niên cần phải là nhà tư tưởng hùng biện; là những người tạo ra được sự thay đổi; là những nhà sáng tạo; là nhà truyền thông và là những nhà lãnh đạo. Từ các yêu cầu đó, đòi hỏi cần phải tạo điều kiện cho thanh niên tham gia với tư cách là chủ thể, đồng thời thanh niên cần được giáo dục tri thức, kiến thức, kỹ năng (về làm việc nhóm, kỹ năng số, khả năng lãnh đạo…). Đồng thời, khuyến khích thanh niên các quốc gia hợp tác, giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững hiện nay.
Về xây dựng chương trình đào tạo cử nhân công tác xã hội, TS. Phạm Ngọc Linh đã trình bày vai trò của thanh niên trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; cũng như, việc lồng ghép các nội dung liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững vào chương trình đào tạo cử nhân nhằm nâng cao nhận thức của thanh niên sinh viên về vấn đề này. Thanh niên có nhiều điểm mạnh về năng lượng của tuổi trẻ, sự phát triển về nhận thức, tâm lý và nhân cách, tuy nhiên, bên cạnh đó, họ vẫn còn hạn chế về sự trải nghiệm xã hội; tính cách còn nóng vội, hay từ bỏ; một số thanh niên chưa được thúc đẩy về ý tưởng, phai nhạt về ý chí, niềm tin, dễ bị dụ dỗ, sa ngã. Do đó cần nhận thức được thế mạnh và hạn chế của thanh niên trong thúc đẩy vai trò của thanh niên đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
ThS. Đặng Văn Nhân đã trình bày vị trí, vai trò của thanh niên về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cụ thể là vị trí, vai trò của thanh niên khu vực nông thôn trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, phòng chống thiên tai, chuyển đổi số, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc… Nhà nước, các tổ chức xã hội cần tạo điều kiện để thanh niên có nền tảng và có những bước đi vững chắc trong tương lai thông qua các chủ trương, chính sách, các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt cần quan tâm đến thanh niên sinh sống tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.
Về bình đẳng giới, đồng chí Vũ Long Khánh đã trình bày các vấn đề chưa đạt được về bình đẳng giới trong xã hội hiện nay thông qua 03 câu chuyện về hoa hậu H’Hen Niê, quán quân chương trình đường lên đỉnh Olympia năm 2020 – Thu Hằng và các bà mẹ bỉm sữa bán hàng online. Thông qua 03 câu chuyện này cho thấy bình đẳng giới là một giá trị cần có trong các gia đình trẻ hiện nay, khi mỗi đứa trẻ (đặc biệt là các trẻ em gái) được quyền quyết định các vấn đề trong cuộc sống của mình .
Cũng về vấn đề bình đẳng giới, TS. Đỗ Thị Thu Hằng đã đưa ra thêm một số ví dụ thực tiễn về bình đẳng giới trong thanh niên hiện nay. Bên cạnh đó, TS. Đỗ Thị Thu Hằng cũng đã đưa ra một số hạn chế của thanh niên trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đó là: thanh niên chưa nhận thức được đầy đủ là mục tiêu phát triển bền vững và chưa ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình; kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của thanh niên còn hạn chế; chưa cân bằng được thời gian học tập, sinh hoạt, làm việc để tham gia các hoạt động xã hội; uy tín xã hội của thanh niên trong xã hội còn thấp; thiếu kinh phí và khó khăn tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ. Để khắc phục những hạn chế đó, cần nâng cao nhận thức của thanh niên trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; sửa đổi, bổ sung các chính sách về thanh niên; tạo điều kiện cho thanh niên đối thoại và xây dựng chính sách; hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên; hỗ trợ các nguồn lực (đặc biệt là tài chính cho thanh niên); mở rộng, tăng cường kết nối mạng lưới diễn đàn về thanh niên và có thêm nhiều chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của thanh niên.
Kết thúc Hội thảo, TS. Đặng Vũ Cảnh Linh – đồng chủ trì Hội thảo đã ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, tham luận, đánh giá của các đại biểu. Đây là những ý kiến tâm huyết, có giá trị lý luận, thực tiễn cao, được đúc rút từ nhiều nghiên cứu khoa học bài bản và kinh nghiệm thực tiễn phong phú từ các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học. Thông qua chương trình, ban tổ chức hy vọng các cơ quan, tổ chức, đoàn thể sẽ quan tâm, dành nhiều thời gian, nguồn lực hơn vào việc nâng cao vị trí, vai trò của thanh niên trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường và tôn trọng con người.