Tác giả bài viết: Anh Tuấn
Huyện Hiệp Hòa thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu; tích cực triển khai công tác chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất theo hướng hữu cơ, thúc đẩy nền nông nghiệp tiến lên một bước...
Đây là tâm sự của Ủy viên Huyện ủy, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Mạnh Hiền trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023.
PV: Đồng chí có thể khái quát một số kết quả mà Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa đã đạt được trong năm 2022?
Đồng chí Nguyễn Thị Mạnh Hiền: Năm 2022, mặc dù mưa lớn kéo dài gây ngập úng thiệt hại trên diện rộng, giá cả các mặt hàng phục vụ nông nghiệp liên tục tăng cao như giá xăng dầu, giá phân bón, giá thức ăn chăn nuôi, trong khi giá thành đầu ra chưa ổn định đã ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân, song nông dân huyện Hiệp Hòa vẫn tập trung sản xuất gieo trồng vụ Chiêm Xuân và vụ Mùa ước đạt 10.602 ha, (cây lúa 7.930 ha, cây lạc 1.860 ha, cây rau, đậu các 900 ha, cây ngô 110 ha, cây ăn quả 1.850 ha) ...
Các mô hình sản xuất gắn tiêu thụ bước đầu phát huy hiệu quả, có thể kể ra như hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm xã Châu Minh, Công ty TNHH Kim Tân Minh xã Quang Minh, HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Trung Thịnh xã Hợp Thịnh, HTX nông nghiệp công nghệ cao An Bình xã Hoàng An…
Hội viên nông dân vui mừng, phấn khởi, tích cực lao động, sản xuất thi đua lập thành tích chào mừng huyện đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ATK II Hiệp Hòa; di tích quốc gia điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm; quyết định công nhận huyện Hiệp Hòa đạt chuẩn nông thôn mới và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Qua đó, bộ mặt nông thôn đã được thay đổi rõ rệt. Đời sống của người dân nông thôn đã được nâng lên cả về vật chất và tinh thần, cán bộ, hội viên tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp.
Tính đến ngày 15/10/2022, tổng nguồn quỹ hỗ trợ nông dân cả 3 cấp là 9.354,642 triệu đồng, trong đó nguồn Trung ương là 2,1 tỷ đồng (tăng 1,5 tỷ đồng), nguồn tỉnh là 1,3 tỷ đồng, nguồn huyện là 5.954,642 triệu đồng (đã giải ngân 5.850,6 triệu đồng). Các hộ vay đều đảm bảo sử dụng đúng mục đích, nguồn vốn đã hỗ trợ các hộ phát triển sản xuất, giảm nghèo và từng bước làm giàu.
Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai tốt tín chấp vay vốn theo Nghị định 55/NĐ-CP (nay là Nghị định 116/NĐ-CP) với tổng dư nợ đến ngày 31/9/2022 là 184,743 tỷ đồng; với Ngân hàng chính sách xã hội vay vốn uỷ thác bán phần theo văn bản 235 đến ngày 31/9/2022 với tổng dư nợ 212,793 tỷ đồng.
Xây dựng Hội và giai cấp nông dân trong sạch, vững mạnh
Công tác tuyên truyền thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thường xuyên được đổi mới cả về hình thức và nội dung như: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên tuyền, phổ biến giáo dục pháp luật; vận động hội viên nông dân thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tích cực tham gia hòa giải ở cơ sở, giải quyết có hiệu quả các vấn đề phức tạp phát sinh, không để trở thành “điểm nóng”, khiếu nại, tố cáo.
Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia tháng cao điểm Bảo hiểm xã hội, huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý triệt để rác thải ra môi trường; tổ chức “Ngày Chủ nhật xanh”.
Phối hợp với các Ban chuyên môn của Hội Nông dân và Bưu điện tỉnh, Trung tâm chính trị huyện tổ chức 4 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội, công tác chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho trên 400 đại biểu.
Năm 2022, đã kết nạp được 186 hội viên mới đạt 103% chỉ tiêu giao, nâng tổng số hội viên đến nay 28.804; Hội đã giới thiệu được 49 cán bộ hội viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp. 181/181 chi hội có quỹ hoạt động, mức quỹ hội bình quân/hội viên đạt 220 nghìn đồng (đạt 104,7% kế hoạch).
Các đoàn kiểm tra, giám sát đã tổ chức kiểm tra 25/25 xã, thị trấn, 36 chi hội; kiểm tra chuyên đề tại 25/25 xã, thị trấn, 48 tổ tư vấn và vay vốn ngân hàng Chính sách xã hội; HND cơ sở tổ chức kiểm tra chi hội định kỳ, chuyên đề: 62 cuộc ở 181 chi hội. Qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện, chỉ ra những hạn chế, thiếu sót để chấn chỉnh kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp hội.
Với quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, ngay từ đầu năm, Hội Nông dân huyện đã tham mưu Thường trực Huyện ủy chỉ đạo Đảng ủy, UBND các xã về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; thông qua ký kết chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân huyện và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giúp xây dựng 04 mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, tích cực triển khai công tác chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa, hỗ trợ nông dân đăng ký 213 sản phẩm tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử của tỉnh.
Với quyết tâm chính trị mạnh mẽ và nỗ lực triển khai hiệu quả, năm 2022, Hội nông dân huyện đã chủ trì thành lập và ra mắt 2 HTX và 4 tổ hợp tác, thành lập mới 2 chi hội Nông dân nghề nghiệp; 15 tổ hội nghề nghiệp, đến nay cơ bản hoạt động có hiệu quả.
Cùng với thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, các cấp hội đã tích cực vận động hội viên, nông dân đóng góp trên 600 triệu đồng, trên 1.120 ngày công, trên 15 tấn giống... hỗ trợ trên 100 hộ hội viên từng bước thoát nghèo, làm giàu chính đáng, từ đó xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình trong sản xuất kinh doanh giỏi, ví dụ như hội viên Nguyễn Thị Mai xã Hoàng Vân được công nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và theo hướng hữu cơ đã đạt được những kết quả nổi bật, được tỉnh Bắc Giang đánh giá đi đầu với nhiều mô hình thành công như: sản xuất lợn hữu cơ, sản xuất giống gà bằng thụ tinh nhân tạo, sản xuất dưa lưới, rau xanh hữu cơ trong nhà màng, sản xuất hoa trong nhà màng, sản xuất nấm trong nhà lạnh. Các mô hình đều thực hiện thành công với hiệu quả kinh tế cao hơn thông thường từ 20 - 25%.
Tham mưu Thường trực Huyện ủy Hiệp Hòa phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tổ chức tập huấn thực hiện Đề án “Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP” giai đoạn 2022 - 2025 cho 150 đồng chí là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội nông dân các xã, thị trấn và các chủ thể tham gia chương trình OCOP trên địa bàn.
Chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn rà soát lập danh sách các hộ sản xuất kinh doanh giỏi để hỗ trợ tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử. Đến ngày 15/9/2022, đã có 231 hộ đăng ký và lập danh sách gửi về Hội Nông dân tỉnh theo quy định, hiện có 6 tổ chức và 71 cá nhân với tổng 77 sản phẩm ở 20 xã, thị trấn được đưa lên sàn giao dịch của tỉnh.
Với những kết quả đó, Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng 20 kỷ niệm chương vì giai cấp nông dân Việt Nam; Chủ tịch UBND huyện khen trong phong trào xây dựng nông thôn mới; Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện khen 19 tập thể và 21 cá nhân đã có thành tích thi đua nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Ngân hàng chính sách xã hội.
Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đề nghị Trung ương Hội khen thưởng 01 tập thể và 01 cá nhân; đề nghị Hội Nông dân tỉnh khen thưởng 03 tập thể và 04 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân năm 2022.
PV: Vậy những khó khăn, hạn chế còn tồn tại là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thị Mạnh Hiền: Bên cạnh những kết quả nói trên, phải thẳng thắn thừa nhận một số tồn tại, hạn chế như công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện một số chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở một số cơ sở còn hạn chế, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân ở một số cơ sở còn chậm.
Một số cơ sở Hội công tác tham mưu cho Đảng ủy thực hiện Kết luận 238-KL/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy Hiệp Hòa chưa được thực hiện tốt, chỉ tiêu kết nạp hội viên mới, giới thiệu hội viên ưu tú cho Đảng đạt chưa cao.
Năng lực, trình độ chuyên môn của một bộ phận cán bộ Hội các cấp còn yếu; chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu kinh nghiệm chỉ đạo, điều hành, tập hợp, vận động nông dân. Công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, phối hợp với UBND xã ở một số Hội Nông dân cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương còn chưa tích cực.
Một số xã việc chấp hành báo cáo theo định kỳ và theo chuyên đề còn chậm phải đôn đốc nhiều, chất lượng báo cáo chưa cao, báo cáo chuyên đề nội dung còn sơ sài.
PV: Năm 2023 là năm bản lề thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, dự báo tình hình tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức. Vậy, Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa sẽ triển khai những nội dung chủ yếu gì?
Đồng chí Nguyễn Thị Mạnh Hiền: Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Hội nông dân huyện sẽ tập trung xây dựng tổ chức Hội và giai cấp nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh; tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và văn bản chỉ đạo của hội cấp trên; phối hợp với các cấp chính quyền, các ngành tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên nông dân sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh các hoạt động tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng gắn với triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII, phấn đấu hoàn thành 100% các chỉ tiêu công tác Hội năm 2023, chỉ đạo và tổ chức thành công Đại hội đại biểu Hội nông dân các cấp nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn xây dựng công trình chào mừng đại hội Hội Nông dân cơ sở mỗi xã 01 công trình, xây dựng 01 công trình chào mừng Đại hội Đại biểu Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa nhiệm kỳ 2023 - 2028, xây dựng mới 3 sản phẩm OCOP; duy trì và nâng cao 1 sản phẩm.
Chỉ đạo nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, phấn đấu ngày càng nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương và tỉnh, đáp ứng khả năng cạnh tranh hàng hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế; tạo nhiều việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Vận động nông dân tích cực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 cũng như các hoạt động về bảo vệ môi trường nông thôn và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Vận động nông dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, “dồn điền, đổi thửa” tạo vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, các cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết theo chuỗi giá trị gắn với an toàn thực phẩm; hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp dịch vụ gắn với hình thức bao tiêu sản phẩm trên địa bàn. Tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên đóng góp tiền của, vật chất, hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp với 02 ngân hàng, tăng trưởng nguồn Quỹ Hỗ trợ tín dụng các cấp, các hoạt động dịch vụ cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp và phối hợp với các công ty đóng trên địa bàn tổ chức dạy nghề tạo việc làm cho hội viên.
Thực hiện việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật gắn với “Ngày pháp luật”, thực hiện Quy chế phối hợp giữa UBND với Hội Nông dân huyện và chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân và Thanh tra huyện trong việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân giai đoạn 2017 - 2022, tham gia đầy đủ các Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng các cụm, khu công nghiệp, các điểm dân cư trên địa bàn./.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguồn tin: Dangcongsan.vn