Tác giả bài viết: Đông Nghi
Theo Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp - Bộ Công Thương, năm 2022 trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, ngành Nhựa là một trong những ngành công nghiệp có tăng trưởng cao nhất Việt Nam với mức tăng hàng năm từ 16 - 18%/năm.
Thống kê cũng cho thấy trong năm 2022 sản lượng nhựa đạt 9,54 triệu tấn, với 3.300 doanh nghiệp nhựa và 250.000 người lao động. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nhựa ở Việt Nam liên tục tăng, mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người gia tăng nhanh chóng ở mức 10,6% mỗi năm…
Tuy nhiên cùng với sự tăng trưởng của ngành nhựa là sự gia tăng, phát sinh rác thải nhựa. Báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022, cho thấy tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh là 2,9 triệu tấn và có tốc độ gia tăng khoảng 5%/năm.
Tổng lượng rác thải nhựa được thu gom là 2,4 triệu tấn nhưng chỉ có 0,9 triệu tấn rác thải nhựa được phân loại cho tái chế và 0,77 triệu tấn rác được tái chế. Tổng thất thoát chất thải nhựa vào môi trường là 0,42 triệu tấn, trong đó một phần lớn đến từ sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.
Do đó, để có thể giảm thiểu, loại bỏ và thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các siêu thị và trung tâm thương mại cần xây dựng lộ trình giảm thiểu các sản phẩm này.
Theo đó, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất tiếp cận, chuyển đổi công nghệ về quản lý sản xuất, tái chế, xử lý chất thải nhựa, phát triển các sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường thay thế túi ni-lông, sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần. Đưa ra quy định, tiêu chuẩn và dán nhãn nhựa sinh học. Hỗ trợ doanh nghiệp hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm thân thiện môi trường và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.
Đồng thời đề xuất kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sản xuất các sản phẩm túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần. Cùng với đó, phát triển và triển khai sử dụng mô hình 3T (tiết giảm - tái sử dụng - tái chế) nhằm giảm thiểu, tăng cường phân loại chất thải nhựa để tái sử dụng, tái chế theo hướng phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Nguồn tin: doanhnghiepvakinhtexanh.vn: